Hình ảnh con gà trong hội họa truyền thống được thể hiện đa dạng, phong phú với nhiều ý nghĩa khác nhau, phản ánh sâu sắc văn hóa dân gian, lễ nghĩa, phong tục tập quán của người Việt từ thời xa xưa.
Hình ảnh con gà trong hội họa truyền thống được thể hiện đa dạng, phong phú với nhiều ý nghĩa khác nhau, phản ánh sâu sắc văn hóa dân gian, lễ nghĩa, phong tục tập quán của người Việt từ thời xa xưa. Cùng sự xoay chuyển của thời gian, tranh gà đã được sáng tạo thành nhiều thể loại khác nhau.
Ý nghĩa phong thủy trong tranh gà
Trong loại hình tranh thêu tay thì tranh gà trống rất phổ biến ở Việt Nam. Tuy gần gũi là vậy nhưng về ý nghĩa phong thủy và tác dụng của những bức tranh thêu chú gà trống thì không phải ai cũng biết. Theo quan niệm của người xưa, tranh thêu phong thủy biểu tượng con gà trống dùng để giải trừ các thế sát cho ngôi nhà hoặc giải trừ “đào hoa sát” cho cá nhân gia chủ, tránh bị tiểu nhân hãm hại nói xấu sau lưng. Thêm vào đó tranh thêu con gà trống bày vị đúng cách cũng sẽ mang lại may mắn và hạnh phúc cho chủ nhà. Theo quan niệm ngũ hành thì tranh thêu gà (Dậu) hợp với hướng Tây. Gà là con vật thuộc hành Kim, vậy nên có thể treo tranh thêu tay gà ở hướng Tây của căn phòng. Ngoài ra bạn có thể bày trí tranh thêu tay con gà trống tại căn phòng khách (hướng Nam) để nghênh đón tài lộc.
Trong phong thủy về tranh thêu tay con gà trống, người ta còn tin rằng nó có thể ngăn cản được những luồng năng lượng âm (năng lượng xấu) và tỏa ra năng lượng dương sưởi ấm ngôi nhà và từ đó hóa giải những xung đột trong gia đình, nội bộ. Chúng ta cũng có thể bày trí tranh thêu tay con gà trống trong phòng ăn để bảo vệ gia đình mình khỏi ảnh hưởng của năng lượng xấu từ nhà bếp, ống khói... Đặc biệt là khi treo tranh thêu gà trống trong phòng khách nhìn thẳng ra trước cửa có thể ngăn chặn được sự không chung thủy của người bạn đời.
Nếu như tranh gà truyền thống luôn mang vẻ đẹp hiền hòa, cổ xưa và yên bình thì tranh gà hiện đại lại thể hiện nét sắc sảo, cá tính và rất độc đáo.
Tranh gà truyền thống
Nổi bật và độc đáo là tranh con gà của dòng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) mang những biểu hiện khác biệt so với dòng tranh ở các nơi kể cả về đường nét, bố cục và màu sắc. Trong dòng tranh Đông Hồ có rất nhiều động vật được phản ánh, ví dụ như lợn, vịt, cá, chuột... nhưng riêng với con gà thì được “ưu ái” hơn khi có đến 6 loại tranh cùng đề cập.
Trong nhiều lễ hội dân gian ở Việt Nam, “chọi gà” luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Chính vì thế, hình ảnh hai con gà trống quay đầu vào nhau trong tranh Đông Hồ phản ánh thú chơi này. Xét về chiều sâu tâm tưởng của nhiều người Việt, thú chơi chọi gà vừa mang tính giải trí nhưng bên cạnh đó nó biểu hiện cho sự nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, chất keo gắn kết tinh thần cộng đồng đã từng tồn tại trong một thời gian khá dài trong các hội làng xưa. Khi đem tặng bức tranh này thường đi với lời chúc sức khỏe, sự cần mẫn, siêng năng cần cù.
Tranh Đông Hồ miêu tả con gà nhìn tổng thể kể cả gà trống, gà mái hay gà con, người xem thấy mềm mại, chân chất của vị hương làng quê duyên dáng, uyển chuyển ở các động tác sinh hoạt. Tranh Tết đàn gà “Mẹ con”, cho đến gà trống “Gáy lúc bình minh”, tất cả đều gắn liền với văn hóa lúa nước của đồng bằng Bắc Bộ. Tranh trưng bày trong nhà ngày Tết của các gia đình vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa, bao giờ cũng là tranh đàn gà, đàn lợn đặt đối xứng nhau. Có thể nói, tranh gà Đông Hồ khá đẹp, vì thế nhiều nhà chơi tranh trong ba ngày Tết và ra Giêng Âm lịch lại tháo xuống, cuộn tròn, cho vào ống luồng hay ống nứa cất đi để năm sau chơi xuân tiếp.
Khác với dòng tranh Đông Hồ, ở thành thị xưa, tranh gà Hàng Trống (Hà Nội) là một loại tranh khá đẹp, cách vẽ tạo hình theo lối vô định thể, chủ yếu là tranh độc bản phối màu rất điêu luyện trên giấy. Những con gà trống vẽ trong tranh khá uyển chuyển về đường nét, rực rỡ và huyền ảo về màu sắc. Lối vẽ tranh gà độc bản đã hạn chế được cái nhìn mặc định, vì thế việc biểu đạt tính cách con vật của họa sĩ được sinh động hơn. Trong Tết và những ngày đầu xuân, những nghệ nhân tranh Hàng Trống xưa thường thi nhau cho ra những mẫu tranh mới, từ nội dung cho đến bố cục, cấu trúc, tạo hình màu sắc và chất liệu giấy, hoặc chất liệu khá bền khác như vải để bán chạy hơn. Ngày nay người ta còn lưu giữ được nhiều bản vẽ tranh Tết Hàng Trống về con gà vang bóng một thời.
Gà trống trong tranh cắt dán
Nếu như tranh gà truyền thống luôn mang vẻ đẹp hiền hòa, cổ xưa và yên bình thì tranh gà hiện đại lại thể hiện nét sắc sảo, cá tính và rất độc đáo. Kể từ thời điểm rục rịch đón Tết Đinh Dậu, nhiều họa sĩ trẻ đã “tung” những tác phẩm lạ mắt và thú vị về hình tượng con gà trống. Trong đó nổi bật hơn cả phải kể đến Bratus, nhóm nghệ sĩ này đã tái hiện bức tranh truyền thống gà trống Đông Hồ qua một hình thức mới và cảm hứng mới với nghệ thuật cắt giấy thủ công.
Giấy dó được lựa chọn làm nền để gợi nhớ về tính truyền thống của tranh Đông Hồ. Trên nền chất liệu này, Bratus sử dụng giấy màu mỹ thuật và hình thức cắt dán giấy thủ công để tạo hình từng phần cho tác phẩm. Các giai đoạn bao gồm phác thảo, cắt khung và đi vào thực hiện chi tiết. Phần lông đuôi, lông đầu và cánh, hoa đặc biệt được chăm chút chi tiết nhằm tạo hiệu ứng nổi khối và bóng đổ chiều sâu cho các thành phần trên tranh. Màu sắc được lựa chọn và phối hợp kỹ lưỡng để tạo sự hài hòa và rực rỡ cho con gà trống. Từng chi tiết nhỏ đã được Bratus trau chuốt để tạo nên một sức sống mới cho bức tranh Đông Hồ nổi tiếng. Qua tác phẩm này, Bratus mong muốn mang đến nét chấm phá mới trên chất liệu sáng tác truyền thống, cùng chung tay giữ gìn bản sắc nghệ thuật dân tộc qua hình thức thủ công bằng giấy.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét