Nhiều ý kiến tỏ ra tuyệt vọng với thực trạng hoạt động của mỹ
thuật Việt Nam hiện nay nhưng cũng không ít người cho rằng đây là cơ hội để
hình thành, phát triển thị trường.
Trong lúc người làm nghệ
thuật rất đau đầu với thực trạng hỗn loạn trong hoạt động của mỹ thuật Việt
Nam, sự xuất hiện của các sàn đấu giá tranh mỹ thuật và những phiên chợ nghệ
thuật đầu tiên có vai trò khá quan trọng.
Những
bước chuyển
Sự xuất hiện đêm đấu giá
vị nghệ thuật đầu tiên tại TP HCM, do Công ty Lý Thị tổ chức, được các họa sĩ
hào hứng ghi nhận và tham gia. Cũng thời điểm này ở Hà Nội, Chọn Gallery đã
đứng ra làm thị trường với mô hình tương tự.
Theo
họa sĩ Bùi Thanh Phương, bức “Phố cổ Hà Nội” này không phải tranh của cố danh
họa Bùi Xuân Phái nhưng nó được bán đấu giá thành công với mức trên 2 tỉ đồng trong
một phiên đấu giá từ thiện tại TP HCM Ảnh: B.T.C
Ngay những tháng đầu năm
2017, các hội chợ nghệ thuật đã được triển khai liên tiếp bởi RealArt tại Hà
Nội (từ ngày 20 đến hết 26-1) và hiện giờ là ở
TP HCM (từ ngày 18 đến
hết 26-2) tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, góp phần làm cho không khí hướng đến
thị trường tranh nghệ thuật nóng lên. Trong tuần triển lãm “Hà Nội - TP HCM” sẽ
có các hội thảo chuyên đề: Thị trường nghệ thuật Việt Nam, Truyền thông trong
lĩnh vực nghệ thuật, Làm sao để nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, Kỹ năng
tự quảng bá chuyên nghiệp cho các nghệ sĩ Việt Nam...
Họa sĩ Nguyễn Quốc Chánh
nhìn nhận: “Sự xuất hiện của những sàn đấu giá như Lý Thị hay Chọn Gallery là
rất tốt. Tác phẩm nghệ thuật là loại hàng hóa đặc biệt, hàng hóa tương lai. Nếu
người Việt có tiền và có kiến thức để hiểu được cách đầu tư tác phẩm nghệ
thuật, có thể tạo nên mặt bằng giá tốt cho tranh nghệ thuật thì chúng ta có thể
trao đổi, đàm phán với bên ngoài. Trước nay, chúng ta chưa có nhà đấu giá của
mình nên tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn bị người nước ngoài mua với giá rẻ rồi
kinh doanh kiếm lời trên chất xám của nghệ sĩ Việt”.
Theo nghệ sĩ Như Huy, có
các sàn đấu giá công khai và các hội chợ sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị
trường nghệ thuật. “Rất khó có thể tránh được tâm lý hám lợi ngắn hạn nên vẫn
sẽ có những người làm giả tác phẩm. Không thể giết chết cái giả nên tốt nhất là
hãy đấu tranh đến cùng cho cái thật và tạo ra niềm yêu thích cái thật để bớt đi
cơ hội lan truyền, luân chuyển của cái giả. Tôi tin rằng ở đâu càng có nhiều
cái giả thì giá của cái thật sẽ càng lên cao” - nghệ sĩ Như Huy bày tỏ.
Thiếu
hỗ trợ pháp lý
Họa sĩ Lê Thiết Cương
cho rằng sự xuất hiện các đường dây làm tranh giả cuối năm 2016 cho thấy những
bí mật còn nằm sâu kín mà trước đây, chỉ người trong giới mỹ thuật mới có thể
hiểu được.
Vụ 17 bức tranh giả của
nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đưa ra triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đã
khiến công chúng và người trong giới ngỡ ngàng. Tiếp đó, bức tranh được cho là
của danh họa Bùi Xuân Phái bán trong một buổi đấu giá từ thiện ở TP với mức
102.000 USD (hơn 2 tỉ đồng) bị họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai ông, kết luận
là làm giả tác phẩm của cha mình một cách thô thiển khiến không ít người hoang
mang.
Nhiều họa sĩ cảm thấy
tuyệt vọng khi gia đình họa sĩ Tạ Tỵ đệ đơn lên TAND TP HCM kiện nhà sưu tập Vũ
Xuân Chung về vụ tranh giả chữ ký Tạ Tỵ. Thế nhưng, vụ việc cứ lòng vòng, đẩy
từ TAND TP HCM xuống TAND quận 4 rồi mới đây lại quay trở lại TAND TP mà vẫn
chưa đi đến đâu.
Tác phẩm của các bộ tứ
đình đám: Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, Trí - Lân - Vân - Cẩn, Phổ - Thứ - Lựu -
Đàm (các họa sĩ tiêu biểu cho nền mỹ thuật Đông Dương và thời kỳ đầu mỹ thuật
Việt Nam, mỹ thuật Đông Nam Á) đang bị làm giả, làm nhái; ngang nhiên buôn qua
bán lại, nâng lên đến tuyệt phẩm vô giá. Họa sĩ, nghệ sĩ đương đại ai cũng cảm
thấy cay đắng vì bất lực, mất kiểm soát.
Nên bắt
đầu từ đâu?
“Giữa lúc hoạt động mỹ
thuật hỗn mang, những người muốn tiến vào thị trường một cách chuyên nghiệp
thực sự còn rất nhiều khó khăn” - nhà sưu tập Nguyễn Văn Sĩ nhận xét.
Họa sĩ Đào Châu Hải cho
rằng gia đình họa sĩ Tạ Tỵ nên theo đuổi vụ kiện bản quyền tranh đến cùng. “Có
thể chậm trễ về thời gian nhưng nếu quyết tâm thì tôi nghĩ vẫn có hy vọng. Vấn
đề bản quyền, đặc biệt lại có yếu tố người nước ngoài, thì pháp luật Việt Nam
chưa có tiền lệ. Đưa ra tòa một sự việc chưa từng có tiền lệ như thế đương
nhiên phải khó khăn, chậm trễ nhưng Việt Nam đã gia nhập Công ước Berne nên
cuối cùng tòa sẽ phải xử thôi” - họa sĩ khẳng định.
Nghệ sĩ đương đại - giám
tuyển nghệ thuật độc lập Nguyễn Như Huy tự tin: “Đừng sợ những sự vụ đang phát
lộ. Chính ở vào giai đoạn lộn xộn dữ dội này, thị trường nghệ thuật Việt Nam
đang dần hình thành. Trên tiến trình cân bằng giữa giá trị và giá cả, rất cần
xuất hiện các nhà đấu giá, cần định chế pháp luật, hoàn thiện hành lang pháp
lý”.
http://nld.com.vn/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét