Trung Tâm Đào Tạo Mỹ Thuật Nét Ngộ - Địa Điểm Đào Tạo Mỹ Thuật Dành Cho Thiếu Nhi, Người Lớn - Viết Thư Pháp - Thư Họa - Kí Họa - Chì Màu - Vẽ Chân Dung - Vẽ Tranh Sơn Dầu - Luyện Thi Đại Học Khối V, H...Hotline: 0902641618

TRIỂN LÃM NGHỆ THUẬT

A

Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

Vẽ lại tranh dân gian vì... tiếc

Dự án“Vẽ lại tranh dân gian”  tốn nhiều công sức của họa sỹ trẻ 9X Nguyễn Xuân Lam đã thuyết phục người xem bởi phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ lại độ thô ráp, mộc mạc của các bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống và tranh thờ miền Bắc. 
ảnh 1Bức tranh Đông Hồ được Nguyễn Xuân Lam vẽ lại
Ban đầu, dự án  này của Nguyễn  Xuân Lam nhận được nhiều góp ý mang tính phản biện như có cần thiết phải vẽ lại các bức tranh dân gian đã rất đẹp của các nghệ nhân xưa và tính đương đại từ những bức tranh vẽ lại ấy nằm ở đâu… Tuy nhiên, khi dự án ra mắt vào những ngày giáp Tết Đinh Dậu, Nguyễn Xuân Lam đã chứng tỏ dự án thành công, đồng thời khẳng định, cứ đi sẽ thành đường. 
Trau chuốt từng nét vẽ
Mới bắt tay vào thực hiện, Nguyễn Xuân Lam tự tin sẽ làm ra các sản phẩm nghệ thuật đẹp mắt có sử dụng chất liệu tranh dân gian Việt Nam làm chủ đạo. Nhưng càng làm, chàng trai trẻ càng run bởi sức ép vô cùng lớn. Trước Lam, đã có nhiều nghệ sỹ thực hiện các dự án nghệ thuật bắt nguồn từ cảm hứng với tranh dân gian Việt Nam. Vì thế, là người đi sau, Nguyễn Xuân Lam phải chỉ ra điểm mới ở “Vẽ lại tranh dân gian”.
Dù là vẽ lại nhưng Nguyễn Xuân Lam đã rất trau chuốt các nét vẽ. Anh tìm kiếm nguồn tư liệu tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ và tranh thờ miền Bắc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trên mạng internet rồi vẽ lại chì bằng tay và đưa lên máy tính để xử lý màu sắc. 
Nguyễn Xuân Lam đã mang hơi thở hiện đại vào dòng tranh dân gian Việt Nam nhờ vào một phương pháp… xưa như trái đất. 
Sự hiện đại của công nghệ và những nét vẽ tay tỉ mỉ, trau chuốt ấy đã làm cho các bức vẽ của Lam mềm mại, uyển chuyển và mang dáng vẻ hiện đại. Vẫn là các màu cơ bản trong tranh dân gian Đông Hồ nhưng bằng việc vẽ lại, Lam đã mang vào tranh phổ màu rộng rãi cùng các chi tiết nhỏ li ti. Có thể nói, Nguyễn Xuân Lam đã mang hơi thở hiện đại vào dòng tranh dân gian Việt Nam nhờ vào một phương pháp… xưa như trái đất.
Không dừng lại ở các tác phẩm, Xuân Lam còn phát triển từ các bức tranh vẽ thành các sản phẩm thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người Việt như thời trang, túi xách, phong bao mừng tuổi… Đặc biệt, tại triển lãm “Vẽ lại tranh dân gian”, các sản phẩm này đã được bán hết và 50 cuốn catalogue giúp người xem tìm hiểu về nguồn gốc bức tranh dân gian và so sánh với các bức tranh vẽ lại của Nguyễn Xuân Lam cũng đã được nhiều người trân trọng mang về đọc. 
ảnh 2Các sản phẩm được tự tay họa sỹ thiết kế từ tranh dân gian vẽ lại
Vươn tới chuẩn đẹp
Nguyễn Xuân Lam tin rằng, từ những cuốn sách như thế, truyền thống tốt đẹp của người Việt là mua tranh Tết về treo trong nhà với ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sum vầy sẽ được hồi sinh, đặc biệt với giới trẻ thì điều ấy càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết khi họ được trở về với văn hóa dân tộc. 
Ý tưởng thực hiện dự án “Vẽ lại tranh dân gian” của Nguyễn Xuân Lam bắt nguồn từ lần ghé thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Những bức tranh nằm im lìm trong khung kính lại làm cho chàng họa sỹ trẻ này thấy tiếc nuối cho một thời hoàng kim của các dòng tranh dân gian đã đi qua. Với sức trẻ cùng ý tưởng táo bạo, Nguyễn Xuân Lam nảy ra ý định làm mới các bức tranh ấy để người thưởng thức không chỉ thấy nét hoài cổ, mà còn cảm nhận được hơi hướng hiện đại từ những hình họa quen thuộc đã in đậm trong ký ức của bao người. 
Với 20 bức tranh dân gian cùng một số sản phẩm làm thủ công, Nguyễn  Xuân Lam đã khởi đầu dự án từ khi còn là một sinh viên năm cuối của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, mất 8 tháng thì dự án kết thúc. Ngoài việc học và đi làm, Xuân Lam còn chịu khó trau dồi ngoại ngữ với những buổi lên lớp để thực hành tiếng Pháp.
Vì vậy, những bức tranh dân gian vẽ lại hầu hết được thực hiện vào những khoảng thời gian trống và cũng được chủ nhân của nó tranh thủ từng giây, từng phút. Bởi tính cẩn thận nên dự án này, họa sỹ đã tự tay thực hiện các công đoạn từ A đến Z, đến nỗi Lam đã từng kiệt sức và phải nhập viện. 
Sau khi dự án hoàn thành, chàng họa sỹ trẻ đã nhận được một số lời mời vẽ lại các dòng tranh dân gian khác nhưng anh đều từ chối. Theo Lam, “Vẽ lại tranh dân gian” là một lần thử của anh đối với văn hóa cha ông. Nguyễn Xuân Lam muốn vươn tới các dự án mang lại cảm nhận tích cực cho người xem, có nghĩa là cái đẹp thuần cái đẹp và vốn văn hóa từ truyền thống dân tộc sẽ không bao giờ là thừa. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618