Trung Tâm Đào Tạo Mỹ Thuật Nét Ngộ - Địa Điểm Đào Tạo Mỹ Thuật Dành Cho Thiếu Nhi, Người Lớn - Viết Thư Pháp - Thư Họa - Kí Họa - Chì Màu - Vẽ Chân Dung - Vẽ Tranh Sơn Dầu - Luyện Thi Đại Học Khối V, H...Hotline: 0902641618

TRIỂN LÃM NGHỆ THUẬT

A

Bài đăng phổ biến

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Mỹ thuật Việt liên tiếp 'được giá' trong và ngoài nước

Như đến hẹn lại lên, những ngày qua mỹ thuật Việt Nam thật sự sôi động trên các sàn đấu giá trong nước và quốc tế. Chiều qua (28/5), tại nhà Christie's Hong Kong, tác phẩm sơn mài La Moyenne Région của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung đã tạo nên một cú hích vô cùng ngoạn mục ở phiên đấu Asian 20th Century Art.

1.Tác phẩm sơn mài La Moyenne Région (Miền trung du, sơn mài, 100 cm x 150 cm, 1942) có giá ước đoán vào khoảng 36.107 - 46.423 USD, kết quả bán đến 595.771 USD, ngoài mọi sự dự đoán. Đây có lẽ cũng là tác phẩm có giá cao nhất của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung tại một phiên giao dịch công khai.
Hoàng Tích Chù (1912-2003) là một tác giả có phong cách và sự nghiệp rất đồ sộ, thế nhưng từ khoảng 5 năm trở lại đây, tên tuổi của ông mới được quốc tế chú ý nhiều hơn.
Phiên đấu Asian 20th Century Art còn nhiều tác phẩm của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Trung… phần lớn đã được bán thành công.
Chú thích ảnh
Tác phẩm “La Moyenne Région” của Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung vừa được bán với 595.771 USD vào chiều 28/5 tại Hong Kong
Mà không riêng gì phiên đấu vừa kể, mấy ngày qua, tại các phiên đấu khác của nhà Christie's Hong Kong đều có tác phẩm của Việt Nam. Như phiên Contemporaries: Voices from East and West / Asian 20th Century & Contemporary Art chiều tối ngày 27/5, vài đại diện từ Việt Nam đã được tạo dấu ấn. Ví dụ bức sơn mài Nostalgie du Haut Tonkin (Nhớ miền thượng du Bắc kỳ) của Nguyễn Gia Trí đã được bán với giá tương đương 177.313 USD, trong khi ước đoán là 154.746 - 232.118 USD. Bức lụa Le Concert (Hòa điệu) của Lê Phổ đã bán 657.669 USD, gần gấp đôi giá ước đoán là 257.909 - 386.864 USD.
2.Cũng chiều 27/5, nhưng tại TP.HCM, nhà đấu giá Lý Thị (Lythi Auction) đã tổ chức thành công phiên đấu Hội họa Việt Nam thế kỷ 20 và đương đại, kết quả đã có gần 35% lượng tác phẩm được bán. Nhìn riêng ở một phiên đấu giá, 35% là con số đầy thách thức cho đơn vị tổ chức, nhưng lại ẩn chứa niềm hy vọng về tương lai tươi sáng của thị trường mỹ thuật nội địa. Nhìn vào lượng khách đến dự 2 phiên đấu giá của nhà Lý Thị, rõ ràng tầm quan tâm và quan sát của người Việt với các hoạt động đấu giá trong nước là rất đáng kể. Họ chưa mua là vì nhiều lý do, trong đó có việc chọn những tác phẩm có giá khởi điểm khá cao của nhà Lý Thị.
Lý Bích Ngọc (người điều phối nhà đấu giá Lý Thị) cho biết chủ trương của họ là chọn lọc những tác phẩm có giá trị và giá bán cao để giới thiệu với người yêu nghệ thuật. “Chúng tôi tin rằng mỹ thuật Việt xứng đáng với mức giá cao hơn hiện nay, vì giá trị tự thân của nhiều tác phẩm cho thấy điều đó”.

Tối qua (28/5) tại Hà Nội, nhà đấu giá Chọn (Chọn Auction) đã mở phiên đấu thứ 3 của mình với 35 lô (lot) hàng. Gần như có tiêu chí khác với nhà Lý Thị ở hiện tại, khi mà các tác phẩm của Chọn tại phiên đấu này có giá khởi điểm rất phải chăng, phần lớn là dưới 1.000 USD. Họ đã rất tài tình khi thỏa thuận được giá hấp dẫn như vậy, trong khi đây là tác phẩm - ký họa của những tên tuổi nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Kao Thương, Nguyễn Trọng Kiệm, Nguyễn Văn Bình, Lưu Công Nhân, Nguyễn Huyến, Mai Long, Đặng Xuân Hòa… Kết quả Chọn đã bán thành công 30/35 lô hàng, không nằm ngoài dự đoán, vì mức giá quá hấp dẫn.
Như Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã nhiều lần đề cập, chỉ khi nào trong nước có nhà đấu giá chuyên nghiệp, có các tổ chức định giá, bảo hiểm và bảo hộ tài chính bài bản, thì thị trường nội địa mới thực sự định hình. Nhìn lại quá khứ, chỉ khoảng 3-4 năm trước thôi, nếu lúc ấy mà nói đến những phiên đấu giá mỹ thuật chuyên nghiệp tại Việt Nam là bị xem là viển vông. Hiện nay cả nước đã có 2-3 nhà đấu giá mỹ thuật chuyên nghiệp và hàng chục tổ chức đấu giá không chuyên, tất cả đều góp sức vào sự sôi động chung của mỹ thuật Việt Nam.
Chứng kiến sự sôi động này, nhà sưu tập Tira Vanichtheeranont (từ Thái Lan) đã chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: “Nhìn sức nóng của mỹ thuật Việt Nam trong mấy ngày qua mà cảm thấy tiếc cho mỹ thuật Thái Lan. Chúng ta chưa tạo được sức nóng, sức chiến đấu cần thiết khi tham gia các phiên đấu giá quốc tế”.
 Theo Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618