Liên tiếp những không gian dành cho nghệ thuật đương đại mới được mở ra gần đây với cách tổ chức quy mô, chuyên nghiệp và có chiến lược như thổi một luồng sinh khí mới vào nền mỹ thuật nước nhà. Trên bước đường xây dựng nền nghệ thuật lành mạnh và bền vững, đây hẳn là một tín hiệu vui.
Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA thu hút rất đông bạn trẻ. Ảnh: Hải Anh |
Những không gian nghệ thuật mới
Đầu tháng 6, Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA khai trương tại tầng B1-R3, Royal City (72A Nguyễn Trãi, Hà Nội) bằng triển lãm “Tỏa”, trưng bày các tác phẩm đa phong cách của 18 nghệ sĩ đương đại danh tiếng của Việt Nam và quốc tế. Có thể nói, VCCA là không gian cho nghệ thuật đương đại, hoạt động phi lợi nhuận có quy mô lớn nhất tại Việt Nam với mong muốn hỗ trợ, kết nối và lan tỏa nghệ thuật tới công chúng.
Với diện tích trưng bày lên tới 4.000m², nằm hoàn toàn dưới lòng đất, VCCA được thiết kế hiện đại và độc đáo khi có thể tận dụng được ánh sáng tự nhiên, mặt bằng thay đổi linh hoạt theo từng sự kiện. Bên cạnh khu trưng bày chính, trung tâm còn có các phòng chiếu video, khu xưởng sáng tạo, thư viện, kho lưu trữ, bảo quản tác phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Sau khi mở cửa, VCCA sẽ hoạt động theo chu kỳ 4 mùa, mỗi mùa kéo dài 3 tháng với chuỗi hoạt động trưng bày, trải nghiệm nghệ thuật mang chủ đề khác nhau.
Triển lãm “Tỏa” khởi đầu hoạt động của VCCA đang gây ấn tượng mạnh với công chúng và giới hoạt động mỹ thuật khi tạo ra một cuộc đối thoại nghệ thuật đương đại Đông - Tây sắc nét. Những ngày qua, nơi đây trở thành điểm đến chụp ảnh, “check in” đầy phong cách của giới trẻ Hà Nội. Họ có thể tương tác với tác phẩm “Cây ước nguyện” của nghệ sĩ Yoko Ono bằng cách ghi điều ước và đính lên cây; tưởng tượng mình ở trên “chín tầng mây” khi đứng bên tác phẩm “Cuộc sống vườn địa đàng” (Nguyễn Mạnh Hùng)…
Ra mắt ngay sau VCCA vài ngày, Đông A Gallery lại được bố trí nằm trên tầng cao nhất của một nhà sách - Nhà sách Cá Chép (115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Sự sắp đặt này trùng với ý tưởng của nhà tổ chức khi muốn giới thiệu một “tầng ba” của mỹ thuật Việt Nam. Bởi nếu coi mỹ thuật hiện đại Việt Nam là một ngôi nhà, thì những họa sĩ Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Phan Chánh hay hai bộ tứ huyền thoại “Trí - Vân - Lân - Cẩn”, “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái” là “tầng một”. “Tầng hai” là lớp họa sĩ thời kỳ đất nước đổi mới như Thành Chương, Lê Thiết Cương… Còn “tầng ba” chính là thế hệ tác giả mới, lớn lên trong "thế giới phẳng”. Đông A Gallery mở cửa với mục đích đồng hành cùng lớp nghệ sĩ này.
Qua những tầng nhà bày kín sách, Đông A Gallery hiện lên thoáng đãng, hút mắt. Tại đây đang có triển lãm tác phẩm của 8 nghệ sĩ đương đại nổi bật ba miền: Nguyễn Văn Hè, Đỗ Hiệp, Lã Huy, Tạ Huy Long, Lê Thúy, Phạm Tuấn Tú, Bùi Tiến Tuấn, Lương Đức Hùng. Sau khi trải nghiệm không gian nghệ thuật này, Nguyễn Quỳnh Anh, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi thấy một triển lãm trong không gian sách. Thật thú vị khi thưởng thức nghệ thuật con chữ và nghệ thuật màu sắc đan xen”. Ngay những ngày đầu mở cửa, một số tranh đã tìm được chủ sở hữu. Nhà tổ chức cho biết, tác phẩm mới sẽ liên tục được bổ sung vào không gian này. Ngoài ra, Đông A Gallery sẽ tổ chức những triển lãm chuyên đề và nhiều hoạt động nghệ thuật đương đại khác.
Hướng tới sự bền vững
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: Trong bối cảnh thị trường mỹ thuật Việt Nam đứng trước nhiều thách thức về nạn tranh giả, tranh “nhái”, làm suy giảm uy tín trong mắt bạn bè quốc tế thì việc khởi động các dự án, mở các không gian nghệ thuật đương đại từ phía tư nhân thay vì hội nghề nghiệp hay cơ quan nhà nước là một tín hiệu vui cho đời sống mỹ thuật. Điều này cho thấy sự chung tay của nhiều phía để hội tụ, gắn kết, tạo những không gian nghệ thuật lành mạnh góp phần xây dựng một nền mỹ thuật bền vững. “Hơn nữa, đầu tư vào nghệ thuật là sự đầu tư thông minh và có tầm nhìn, bởi thông thường, giá trị các tác phẩm nghệ thuật luôn tăng theo thời gian”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn khẳng định.
Họa sĩ Đỗ Hiệp - người quyết định hợp tác với Đông A Gallery, bày tỏ quan điểm: Với các nhà đầu tư nghệ thuật ở Việt Nam, cách an toàn để tránh hàng giả, hàng “nhái” là đầu tư vào những nghệ sĩ đang sáng tác. Lứa nghệ sĩ trẻ nước ta khá dồi dào và đang sung sức. Nhưng họ rất lo lắng không biết các tác phẩm của mình sẽ đi đâu, về đâu. Họ cần những “bà đỡ” hỗ trợ họ yên tâm sáng tác. Thiết lập những mối quan hệ đồng hành, cộng sinh giữa nghệ sĩ và nhà đầu tư càng nhiều thì nền mỹ thuật nước nhà càng phát triển bền chặt.
Ở góc độ khác, với người yêu nghệ thuật, một tác phẩm chỉ được cảm thụ đầy đủ nhất khi thưởng lãm trực tiếp. Dù lực lượng nghệ sĩ đương đại nước ta không ít, sáng tác đều đặn nhưng cơ hội để công chúng thưởng thức tác phẩm của họ khá hiếm hoi do chưa có nhiều không gian trưng bày chuyên biệt. Vì vậy, những trung tâm, phòng trưng bày nghệ thuật đương đại được quy mô, chuyên nghiệp mở ra như thế này hẳn sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu của công chúng yêu nghệ thuật và góp phần định hướng thẩm mỹ trong cộng đồng. Đó cũng là lý do VCCA và Đông A Gallery đều nằm ở những nơi giới trẻ hay lui tới.
Hy vọng, có thêm nhiều những chuyển động như thế nhằm thúc đẩy nền nghệ thuật Việt Nam phát triển lành mạnh.
http://hanoimoi.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét