Những ngày qua, một số bức tường ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Mai Thị Lựu (Q.1, TP.HCM) cùng các con hẻm ở đường Điện Biên Phủ, 3 Tháng 2 (Q.10) được các họa sĩ trẻ đem cọ, màu đến vẽ tranh lên đó.
Niềm đam mê tranh tường
|
Đây chỉ là một trong số các bức tranh được chọn ra từ cuộc thi vẽ tranh tường Thành phố 2030. 9 bức còn lại về chủ đề bảo vệ môi trường đang được các họa sĩ trẻ vẽ lên những bức tường đã được ban tổ chức (Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển CHANGE, Tổ chức 350.org và Hội LHTN P.Đa Kao, Q.1 thực hiện) khoanh vùng. Đó là tác phẩm của các tác giả Thiên Ân (Mưa acid), Hồng Thúy (Thành phố 2030), Phi Trường - Thu Trang (Biệt đội STN), Lưu Bá Lăng (VN xanh - Năng lượng sạch), Art Tdt-U (Sài Gòn trong tôi và Tương lai xanh), Quốc Tuấn (Lựa chọn nào cho tương lai) cùng 2 tác phẩm không đề của nhóm tác giả Hà Vi - Tiến Đạt và Thu Trang - Hoài Nam - Bảo Trân.
Nói về cuộc thi Thành phố 2030, bà Cát Tường (Quản lý dự án) cho hay: “Cuộc thi mong muốn tạo cơ hội để những người yêu thích nghệ thuật đường phố thể hiện niềm đam mê. Các bức tranh được chọn chủ yếu do các họa sĩ tự do, các bạn sinh viên kiến trúc, mỹ thuật, có cả học sinh trung học phổ thông vẽ”. Đánh giá về những tác phẩm được chọn, họa sĩ Việt kiều Pháp Suby (thành viên ban giám khảo) nhận định: “Các bạn trẻ có nhiều ý tưởng xoay quanh chủ đề bảo vệ môi trường và thể hiện ý tưởng trên giấy khá tốt. Tuy nhiên, một tác phẩm từ giấy khi mang vẽ lên tường đòi hỏi những yếu tố mang đặc trưng của tranh tường. Chúng tôi đã tư vấn cho họ thay đổi hoặc bổ sung để bản tranh tường thêm chi tiết sinh động hơn, màu sắc, đường nét bắt mắt hơn”.
Để được phép vẽ trên những bức tường nhà dân, ban tổ chức đã phối hợp cùng Hội LHTN P.Đa Kao (Q.1) và P.10 (Q.10) khảo sát, chọn vị trí phù hợp với tác phẩm rồi xin phép, thuyết phục chủ nhà. Các chủ nhà đều nhiệt tình ủng hộ. Có người cho họa sĩ mượn thang, người mời uống nước, thậm chí còn mời dùng cơm trưa. Ban tổ chức đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí vẽ tranh cho các tác phẩm được chọn.
Sân chơi cần có sự quản lý
Có thể coi 10 bức tranh được chọn vẽ lên tường đợt này là thành quả đầu tiên của nỗ lực đưa vào quy củ hoạt động vẽ tranh tường, vốn diễn ra một cách tự phát ở TP.HCM những năm qua. Bên cạnh những bức tranh được người xem thích thú, cũng không ít bức khiến chủ nhà bực bội vì nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục và người vẽ không hề xin phép họ.
Ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết: “Nhu cầu của các bạn trẻ, họa sĩ trẻ có một sân chơi để thể hiện niềm đam mê tranh tường là có thật. Thời gian qua, TP.HCM rất quan tâm đến vấn đề này và đã giao cho Thành đoàn, Đoàn thanh niên quản lý, quy hoạch những địa điểm thuận lợi, phù hợp để vẽ tranh tường. Tôi nghĩ những cuộc chơi như thế cần ủng hộ. Nhưng sân chơi phải có sự quản lý, tổ chức rõ ràng. Nội dung, chủ đề, chất lượng tranh cần được thẩm định. Vẽ xong phải dọn dẹp đâu vào đó. Nếu chúng ta không quy hoạch, tổ chức mà để các bạn chơi tự do, thích gì vẽ nấy thì sẽ ảnh hưởng lớn đến mỹ quan thành phố”.
Hồi đầu năm nay, Trung tâm CHANGE phối hợp UBND P.Nguyễn Thái Bình (Q.1) từng dự định tổ chức Tuần lễ triển lãm tranh nghệ thuật đường phố, quy tụ họa sĩ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, triển lãm không thể diễn ra do ban tổ chức không kịp hoàn tất các thủ tục để được thành phố cấp phép.
Về việc vẽ tranh trên tường, ông Huỳnh Văn Mười (Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM) trong cuộc trò chuyện với Thanh Niên từng cho rằng TP.HCM nên tổ chức nhiều cuộc thi vẽ tranh đường phố để chọn các bức tranh đẹp ra “mặt tiền”. Đối với các đường hẻm, chính quyền địa phương chỉ cần quản lý nội dung, thậm chí nên có hình thức khen thưởng hợp lý để nhà nước không phải tốn kém kinh phí mà vẫn có được các con hẻm đẹp.
Bảo quản các bức tranh tường như thế nào cũng là vấn đề đáng lưu ý. Với các bức tranh thuộc dự án Thành phố 2030, bà Cát Tường cho biết: “Nếu sau 1 - 2 năm tranh bị bong tróc, xuống cấp thì chúng tôi sẽ gia cố lại. Chúng tôi còn phối hợp với các Đoàn thanh niên phường vận động người dân giữ gìn các bức tranh này”.
http://thanhnien.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét