Bức tranh The young beggar thật (trái) và tranh giả, mạo danh Tô Ngọc Vân (phải). Ảnh: New York Times.
Tờ The New York Times vừa có bài viết về thị trường tranh Việt, trong đó dùng những cụm từ rất mạnh để nói về vấn nạn vi phạm bản quyền trong lĩnh vực hội họa ở nước ta như “đầy rẫy những dối trá”, “chiêu trò đạo nhái và lừa đảo”...
Xuất hiện tranh triệu đô, nhưng đau đầu lo “đạo nhái”
Bài báo có tên “Nghệ thuật Việt chưa bao giờ được ưa chuộng nhiều như thế, nhưng thị trường tranh thì ngập đồ giả” của nhà báo Mỹ Richard C.Paddock, đăng trên tờ The New York Times đang nhận được sự quan tâm của người yêu hội họa trên thế giới và giới họa sĩ Việt Nam. Bởi bài viết đã chỉ ra hàng loạt tồn tại của thị trường tranh Việt – nạn sao chép, làm tranh giả - những điều người trong nghề đều biết nhưng ít ai lên tiếng.
Xuyên suốt bài viết, tác giả Richard C.Paddock đã điểm lại vụ việc từng gây chấn động giới hội họa một năm về trước, tại triển lãm "Những bức tranh trở về từ Châu Âu", khi 15/17 tranh trong triển lãm bị phát hiện là tranh giả, hay kém chất lượng… Thậm chí, họa sĩ Thành Chương đã phát hiện tranh của mình bị “đổi tên” thành tác giả Tạ Tỵ. Ông lên tiếng đấu tranh, nhưng suốt 1 năm qua, kết quả ra sao, xử lý thế nào vẫn là chưa có lời đáp.
Từ vụ việc này, tác giả Richard C.Paddock đã đưa ra nhận định: “Phát hiện của họa sĩ Thành Chương đã lộ ra một vụ bê bối làm rung chuyển cả giới mỹ thuật Việt và nêu bật một sự thật đáng xấu hổ: Thị trường mỹ thuật Việt (nơi từng có những bức tranh vẽ trước chiến tranh, gần đây có giá cả triệu USD) lại đầy rẫy những dối trá. Dù đang được nhận ra nhiều hơn trên thị trường quốc tế, nhưng các họa sĩ và thương nhân buôn bán tranh Việt vẫn phải đương đầu với vấn nạn đạo nhái ngày một nở rộ… Vài bức họa của Tô Ngọc Vân và Lê Văn Đệ từng được nhìn thấy tại sự kiện đấu giá quốc tế, trong khi các tác phẩm trông giống hệt chúng vẫn đang treo tại bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội”.
Sự thật đáng xấu hổ!
Ngay sau khi bài viết về nạn “đạo nhái” tranh ở Việt Nam đăng tải trên báo Mỹ, dù bài viết đang khiến người yêu hội họa thế giới có cái nhìn e ngại về thị trường tranh Việt, nhưng giới họa sĩ trong nước chia sẻ rất đồng tình với quan điểm mà tác giả Richard C.Paddock đưa ra, dù đây là một sự thật “rất đáng xấu hổ”.
Họa sĩ Phạm Lực kể, có lần ông biết một cơ sở chuyên sao chép tranh của mình, nên tìm đến tận nơi khuyên nhủ. Nào ngờ chưa kịp giới thiệu xong họ tên, kẻ sao chép tranh đã muốn nói chuyện bằng “tay chân” với ông. Kể từ đó, ông chọn cách “sống chung với lũ”, dù biết tranh của mình bị làm giả, bày bán ở nhiều nơi, nhưng “nhắm mắt cho qua”, vì biết có lên tiếng cũng chẳng ai giải quyết.
Còn theo họa sĩ Thành Chương, bài báo trên New York Times đã nói rất chính xác về thực trạng thị trường tranh giả Việt Nam. Thị trường này đã tồn tại ở nước ta từ nhiều năm nay, nhưng rất ít vụ được xử lý dứt điểm.
“Có thể thấy sau khi vụ phát giác tranh giả và mạo danh tranh của tôi xảy ra từ 2016 nhưng không xử lý nghiêm nên nó vẫn liên tục xảy ra tiếp. Chúng ta đã có một cơ hội để xử lý rốt ráo nhưng rốt cuộc lại buông trôi đi mất. Chính vì vậy, các vụ tranh giả vẫn liên tiếp nở rộ. Tranh giả vào cả bảo tàng, lên sàn đấu giá” - họa sĩ Thành Chương bức xúc.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, sở dĩ nạn tranh giả hoành hành ở Việt Nam và chưa được xử lý dứt điểm, một phần vì giới họa sĩ Việt chưa chú trọng đến việc bảo vệ bản quyền cho “đứa con tinh thần” của mình.
Ông đưa ra lời khuyên, họa sĩ nên đi đăng ký bản quyền, để bảo đảm tính hợp pháp cho tác phẩm của mình. Nếu không, khi xảy ra vấn đề tranh chấp, dù bức xúc lên tiếng, nhưng rất khó đề đòi lại quyền lợi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét