Thế giới
xung quanh trong mắt trẻ thơ thật lung linh và huyền diệu, các em luôn khao
khát được miêu tả nó bằng nét vẽ, bức tranh, pho tượng,…. Thưởng thức nghệ thuật,
sáng tạo nghệ thuật nói chung và bồi dưỡng năng khiếu vẽ nói riêng là nhu cầu cần
thiết cho trẻ em ngày nay. Giai đoạn nhà trẻ, mẫu giáo của trẻ em ảnh hưởng hết
sức quan trọng tới việc hình thành nhân cách ứng xử và phát triển năng lực
cá nhân khi trẻ trưởng thành. Mà chính nơi đây xuất phát từ những biểu hiện
tưởng chừng như hết sức đơn giản như sinh hoạt cá nhân, giao lưu với bạn bè, thầy
cô trong lớp cùng với việc học hát, múa, kịch và truyện kể, trò chơi,…, đã kích
thích rất nhiều đến trí tưởng tượng và óc sáng tạo của trẻ và đây cũng là đề
tài phong phú để các em thể hiện trong tranh của minh.
Hội họa đối với các em như
một vùng đất màu mỡ để các em gieo hạt mầm xanh tươi mơ ước, là nơi các em bày
tỏ những khát vọng thầm kín, những mơ ước xa xôi,… Tranh luôn thể hiện sự thuần
khiết, trong trẻo, vui tươi trong ý tưởng, bố cục cũng như màu sắc.
Hầu hết trẻ
đều mang nét chung là hiếu động và hồn nhiên. Hiếu động vì các em dư thừa năng
lượng, chưa phải làm lụng cực nhọc và tâm lý không bị đè nặng vì sinh kế. Tất
nhiên phải trừ ra một số hoàn cảnh cá biệt như mồ côi, nghèo khổ, vào đời
sớm,….Các em luôn nhìn vào cuộc sống xung quanh với sự khao khát hiểu biết, với
tấm lòng lạc quan, vô tư như trang giấy trắng. Cuộc sống của các em luôn vui
nhộn, nghịch ngợm…Dù rơi vào hoàn cảnh nào đi nữa, các em vẫn hồn nhiên ngây
thơ, yêu thương con người, loài vật, cây cỏ, hoa lá,… Đây là đặc điểm nổi bật
của tâm lý trẻ thơ. Chính nhờ những tâm lý đáng quý đó đã được các em mang vào
tranh vẽ của mình khiến tranh các em luôn toát lên sự rạng rỡ, vui tươi, sống
động và hết sức hồn nhiên.
Nét vẽ của
các em chưa bị qui luật hội họa như luật bố cục, luật phối cảnh, hình họa,… chi
phối. Đương nhiên chúng ta không phủ nhận giá trị những kiến thức hội họa mà
trường lớp mang lại cho người học vẽ. Nhưng đó là chuyện của người lớn. Thử hỏi
nếu tranh thiếu nhi mà luôn chặt chẽ về bố cục, hài hòa về màu sắc, chỉnh chu
trong phối cảnh và già dặn về bút pháp thì có còn là tranh thiếu nhi nữa hay
không?
Khi xem
tranh thiếu nhi chúng ta thấy các em vẽ tự nhiên như đang chơi đùa vậy. Đối với
thiếu nhi khi vẽ các em không hề đặt nặng vấn đề ý tưởng bố cục, đường nét,
hình khối, màu sắc,… Khi có được đề tài và sự gợi ý của người lớn ( thầy cô,
cha mẹ, anh chị…) các em thường vẽ rất nhanh. Chỉ cần một , hai giờ đồng hồ cho
một bức tranh. Chính do không bị ảnh hưởng bởi một tư tưởng và kỹ thuật hội họa
nào nên các em không có sự băn khoăn chọn lựa về các hình thức để biểu đạt cảm
xúc.
Tóm lại: trước mắt các em
thì cái gì cũng đẹp, chính bởi lòng các em đẹp. Đẹp trong lứa tuổi đầy trong
sáng và hồn nhiên – Đẹp với lứa tuổi thần tiên đang hướng đến tương lai – đẹp
khi các em là những mầm non của tổ quốc tràn đầy năng khiếu đang bộc lộ và phát
triển. Chính vì thế, tranh của các em luôn có một phong cách riêng. Nó xuất
phát từ đặc điểm của trẻ thơ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét