Như chúng ta đã biết, não của trẻ phát triển và hoàn thiện trong khoảng 5 năm đầu đời. Các giác quan của trẻ phát triển đỉnh cao ở năm đầu tiên, sau đó các kết nối giữa các tế bào thần kinh có chức năng về giác quan giảm dần. Các kỹ năng về tư duy và trí tuệ được hình thành trong những năm về sau khi bé bắt đầu đi học. Tuy nhiên các kỹ năng tư duy chủ yếu được hình thành dựa trên nền tảng của các nhận thức trực quan từ các giác quan trước đó. Những hình ảnh trực quan sinh động càng nhiều thì khả năng tư duy càng cao. Do vậy, con người (kể cả các nhà khoa học) thường dùng các loại hình vẽ, sơ đồ, bản đồ… để làm minh họa và hệ thống các vấn đề phức tạp khi tư duy ở mức độ cấp cao. Do vậy, nếu cho trẻ làm quen sớm với hội họa sẽ giúp trẻ có được rất nhiều lợi ích.
1. Lợi ích về phát triển thị giác (hay óc quan sát): Hội họa là màu sắc và đường nét, do vậy bé phải có một thị giác phát triển để có thể phân biệt và nắm bắt được những đường nét và màu sắc tinh tế thì mới có thể vẽ đẹp, chưa muốn nói nếu muốn trở thành họa sĩ chuyên nghiệp thì còn phải rèn luyện nhiều hơn nữa. Nên nếu từ sớm, chúng ta đã giúp bé phân biệt được đâu là các hình dạng khác nhau, đâu là nét to, nét nhỏ, đâu là màu đỏ và màu xanh…thì bé sẽ sớm tiếp thu và phản xạ lại thông qua hành động và ngôn ngữ. Giai đoạn trước 1 tuổi, bé quan sát theo kiểu chụp hình và nhớ được nhiều thông tin cùng một lúc nên đó là lúc thuận tiện để giới thiệu với bé về những hình ảnh phức tạp mà không cần phân tích tỉ mỉ. Các bé làm quen với hội họa sớm sẽ có một óc quan sát tinh tế về sau, phân biệt sự khác nhau nhanh chóng, sử dụng được màu sắc gần với thiên nhiên thông qua quan sát thực tế thiên nhiên ngay từ nhỏ.
2. Lợi ích về phát triển kỹ năng sử dụng đôi bàn tay: Khéo léo của đôi bàn tay thì có thể làm được rất nhiều việc sau này, không chỉ riêng trong hội họa. Do vậy các trò chơi cho bé người ta cũng khuyến khích phát triển sự khéo léo sử dụng đôi bàn tay (fine motor). Từ những đường nét nguệch ngoạc, không định hướng, bé sẽ dần sử dụng đôi bàn tay chủ động hơn về sau, điều này phụ thuộc vào sự phát triển các cơ tay của bé đồng thời phụ thuộc vào sự phát triển của bộ não. Vẽ trực tiếp từ đôi bàn tay (chấm ngón tay vào màu nước – fingerpaint) sẽ giúp bé có cảm giác thật và tự nhiên sự dụng đôi bàn tay của mình. Theo quá trình phát triển, thói quen hình thành và được thực tập thường xuyên dưới sự hướng dẫn của người có kinh nghiệm, đôi tay bé sẽ uyển chuyển và tinh tế trong từng cử chỉ, đặt biệt bé sẽ cầm viết để viết chữ tự tin ngay từ sớm.
3. Lợi ích về phát triển trí tưởng tượng: Bé vẽ theo cách nghĩ và cách nhìn của bé nên sự tưởng tượng là vô cùng phong phú. Bé không bị áp đặt bởi cách nghĩ và cách nhìn của người lớn từ lúc này. Chúng ta sẽ bất ngờ khi thấy những bức tranh bé vẽ, đặc biệt khi bé biết nói và diễn đạt rõ ràng thông qua ngôn ngữ nói thì chúng ta sẽ càng bất ngờ hơn khi hiểu cách tưởng tượng của bé. Sự tưởng tượng của bé là kỳ diệu nhất, do đó nếu bé thể hiện qua thành tác phẩm hội họa thì đó là sáng phẩm sáng tạo nhất.
4. Lợi ích về phát triển tư duy trừu tượng: các tranh vẽ của trẻ thường không giống người lớn vì chúng tưỏng tượng theo cách riêng, mà những cách riêng đó chính là cách tư duy trừu tượng của bé về thế giới. Bé sẽ không diễn đạt nóng và lạnh thông qua lời nói hay chữ viết, nhưng khi sử dụng màu sắc thì điều đó sẽ được thể được khái niệm trừu tượng “nóng, lạnh”. Hoặc cao hơn về những cảm xúc buồn, nhớ, hạnh phúc, vui vẻ…bé cũng có thể thể hiện thông qua cách phối hợp đường nét, bố cục và màu sắc. Chính nhờ cách làm quen với hội họa sớm, tư duy trừu tượng của bé có cơ hội phát triển sớm và tạo nền tảng về sau khi bé có thêm công cụ tư duy ngôn ngữ lời nói và chữ viết.
5. Lợi ích về phát triển kỹ năng giao tiếp: Khi bé còn nhỏ, làm quen với hội họa cần có người lớn hướng dẫn. Mặc dù người hướng dẫn không cần cầm tay uốn nắn chi tiết, nhưng những câu hội thoại trao đổi thông thường giữa người hướng dẫn (thông thường là từ Ba Mẹ) sẽ giúp bé có được kỹ năng giao tiếp. Chẳng hạn bé học được cách đặt câu hỏi: “Tại sao con vẽ vậy?”, hoặc cách trả lời: “Con nghĩ là…bởi vì…” Hội họa đối với trẻ nhỏ không yên tĩnh giống như người lớn, trẻ có thể bi ba bi bô ngay trong lúc vẽ, và vẽ xong trẻ lại thích khoe ngay với người lớn, chứ không cần đắn đo, suy nghĩ gì nhiều. Nhờ thế cơ hội rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp hàng ngày của trẻ có dịp được phát huy.
Nói tóm lại, để có thể giúp trẻ phát triển toàn diện, chúng ta cần tạo cho trẻ môi trường sống an toàn nhưng phong phú và đa dạng bởi vì theo sự phát triển tự nhiên của trẻ, trẻ sẽ học rất nhanh. Hội họa chỉ là một hoạt động trong rất nhiều hoạt động cần thiết cho trẻ. Mặc dù hội họa đối với trẻ trong những năm đầu đời chỉ là một trò chơi, một trò chơi mở không bao giờ kết thúc, nhưng nếu biết cách chơi với trẻ hàng ngày thì sẽ giúp được trẻ phát triển được nhiều mặt tích cực cả về trí tuệ và hành vi của trẻ về sau.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét