Với sức sáng tạo không ngừng của người làm hội họa, chúng ta không thể thống kê thế giới có bao nhiêu dòng tranh, cũng không thể bình chọn dòng tranh nào đáng quý nhất bởi nghệ thuật là vô giá.
Giống như nhiều nước giàu bản sắc văn hóa trên thế giới, Việt Nam tự hào là nơi sở hữu nhiều dòng tranh độc đáo, nổi tiếng nhất phải kể đến sơn mài, sơn dầu, tranh khắc gỗ... Tuy nhiên, một dòng tranh mà có lẽ ít người biết đến đang được bảo tồn tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, đó là tranh đá quý.
Những dòng tranh đá quý phổ biến
Tranh đá quý được thực hiện với nhiều chủ đề. Tranh đá quý phong cảnh Việt Nam là những bức về phong cảnh thiên nhiên: làng quê, đình làng cổ, các cảnh đẹp nổi tiếng Việt Nam...; Tranh đá quý phong cảnh nước ngoài là những cảnh quan nổi tiếng trên thế giới như Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, cảnh ngôi nhà trong rừng, ngôi nhà bên suối, hồ nước theo phong cách châu Âu...; Tranh đá quý tứ quý là bức họa tranh về 4 mùa xuân, hạ, thu và đông, theo quan điểm của người phương Đông, tranh tứ quý mang lại sự giàu có, hạnh phúc...; Tranh đá quý động vật gồm những bức tranh về các loại động vật với chi tiết sắc nét, những đường nét tạo chiều sâu cho bức tranh. Tranh động vật thường có bức họa về các loài như ngựa, hổ, rồng, chim phượng...; Tranh đá quý phố cổ là những bức họa về phố cổ của Hà Nội như góc phổ cổ, Chùa Một cột, Tháp rùa, Hồ Gươm...; Tranh đá quý mừng thọ là một dòng tranh mà người phương Đông thường sử dụng trong buổi lễ mừng thọ của gia đình, đó là món quà mà con cháu gửi tới bố mẹ, ông bà với sự hiếu thuận và kính trọng...
Tranh đá quý đang góp phần không nhỏ trong việc tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.
Ngoài những dòng tranh đá quý truyền thống, hiện nay, mọi kiểu tranh, bối cảnh, hình ảnh... các thợ làm tranh đều có thể đáp ứng và làm ra sản phẩm hoàn thiện theo yêu cầu của khách hàng. Tùy thuộc vào đặc điểm văn hóa của từng khu vực và quốc gia, những nét tiêu biểu và sự thưởng thức tranh nghệ thuật khác nhau, các cơ sở sản xuất tranh đá quý hiện nay có thể đáp ứng được các mẫu tranh theo yêu cầu.
Có thể nói, tranh đá quý không chỉ góp phần phát triển nghề thủ công ở Việt Nam, mà còn tạo ra dòng sản phẩm nghệ thuật ứng dụng trang trí nội thất, phát huy kỹ năng khéo léo và cần cù của người ViệtDòng tranh đá quý ở Việt Nam
Từ những năm 1991 - 1992 khi trên địa bàn huyện Lục Yên - tỉnh Yên Bái, người ta đã phát hiện những viên đá đỏ - đá ruby, nhiều người dân từ khắp các miền đổ về đây đào, đãi để kiếm những viên đá quý. Số lượng người rất đông kéo theo làn sóng dân địa phương bỏ nghề làm ruộng để vào rừng tìm đá. Những người này khi tìm được chút đá lại mang về chợ bán, từ đó các phiên chợ đá quý Lục Yên gần bờ hồ Yên Thế được hình thành. Theo thời gian, chợ đá quý Lục Yên thu hút nhiều khách thập phương kể cả từ các nước lân cận như Lào, Thái Lan tìm đến mua hàng. Trong thời cao điểm, nơi đây đã có đến hàng trăm gian hàng lớn, nhỏ, người mua kẻ bán nhộn nhịp, đông vui. Chợ đá quý Lục Yên vẫn được duy trì đến tận ngày nay.
Sự đa dạng và phong phú về nguồn nguyên liệu đá quý giúp nghề làm tranh đá quý hình thành ở Lục Yên khá sớm. Đây là loại tranh được làm từ 100% nguyên liệu là nguồn đá quý và bán quý, tận dụng nguyên liệu đá tự khai thác được. Theo thời gian, nghề làm tranh đá quý ngày càng phát triển về mẫu mã và chất lượng. Với đặc điểm là làm từ nhiều nguyên liệu đá quý và bán quý từ tự nhiên, do kích thước hạt đá sử dụng cùng tính chất quang học và màu sắc, những bức tranh đá quý luôn có nét độc đáo riêng: tính 3 chiều của bức tranh, độ sang, độ phản quang... Vì nguyên liệu làm tranh được hình thành trong tự nhiên, trải qua nhiều thời gian dưới tác động của địa chất và môi trường, các thành phần đá biến đổi kết tinh cấu trúc bền vững, nên tranh không bị ảnh hưởng và phai màu theo thời gian.
Mảnh đất Lục Yên giờ đây đang thay da đổi thịt. Nếu đi một vòng quanh thị trấn Yên Thế, chúng ta sẽ thấy rất nhiều cửa hàng sang trọng bày bán những bức tranh đá quý rực rỡ sắc màu. Khách du lịch dập dìu ra ngắm vào nghía, mê mẩn những bức tranh đá nghệ thuật. Để làm tranh có giá trị cao, các hộ đi tìm những người vẽ giỏi mời về làm cho xưởng mình. Các gia đình còn tự dựng lò đốt đá, mua máy mài, nghiền thành bột. Công nghệ làm tranh đá quý bắt đầu đi vào guồng quay khá chuyên nghiệp. Trước kia để làm một bức tranh đá quý khổ 1,2m x 2,4m, phải mất đến một tháng. Nhưng nay chỉ mất 5-7. Mỗi bức tranh tùy theo khổ và chất liệu mà có giá khác nhau, tuy nhiên, tranh đá quý Lục Yên giá không quá cao. Một bức tranh được làm bằng chất liệu tốt nhất, khổ 60cm x 80cm dao động ở mức từ 2-2,5 triệu đồng.
Doanh thu từ nghề chế tác, làm tranh đá quý ở Lục Yên cho thấy đây là nghề đang có nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế địa phương. Có thể nói, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tranh đá quý đang góp phần không nhỏ trong việc tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét