Trung Tâm Đào Tạo Mỹ Thuật Nét Ngộ - Địa Điểm Đào Tạo Mỹ Thuật Dành Cho Thiếu Nhi, Người Lớn - Viết Thư Pháp - Thư Họa - Kí Họa - Chì Màu - Vẽ Chân Dung - Vẽ Tranh Sơn Dầu - Luyện Thi Đại Học Khối V, H...Hotline: 0902641618

TRIỂN LÃM NGHỆ THUẬT

A

Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017

LIỆU PHÁP HỘI HỌA – Khi nghệ thuật cũng là phương thuốc chữa bệnh

Hội họa vốn là một hình thức thể hiện bản thân tự do và căn bản nhất của con người mà không cần được dạy. Từ khi còn là một đứa trẻ học cách cầm viết chì, con người đã có thể làm ra những sản phẩm hội họa nhất định. Hiển nhiên, không phải tất cả chúng ta đều trở thành Picasso, và hội họa hay nghệ thuật không phải được làm ra chỉ để đánh giá hay phê phán. Trong một thế giới đầy tính cạnh tranh ngày nay, chúng ta có xu hướng bị cuốn theo guồng quay của cuộc sống bộn bề, dễ dàng đánh mất khả năng sáng tạo và những động lực sống tích cực. Hội họa là một cách hữu hiệu để vượt qua những rối loạn về tinh thần và vực dậy những tâm hồn mỏi mệt.
Định nghĩa Liệu pháp hội họa

Liệu pháp hội họa (Art therapy) được thiết lập dựa trên ý tưởng rằng tự thân nghệ thuật – vốn mang bản chất tự nhiên và sáng tạo – là một liều thuốc chữa bệnh hữu hiệu. Những người từng bị sang chấn tâm lý và gặp khó khăn trong việc biểu đạt cảm xúc có thể được điều trị bằng liệu pháp hội họa. Đây là một phương cách tốt để tự đối mặt với những nhược điểm, nỗi sợ của bản thân và vượt qua chúng một cách tích cực, để từ đó mỗi người có thể khám phá những cảm xúc tích cực trong tâm hồn. Liệu pháp hội họa có tác dụng giúp người bệnh hòa giải những mâu thuẫn nội tâm, xây dựng lòng tự trọng và cải thiện hành vi ứng xử. Nhiều danh họa nổi tiếng thế giới như Vincent Van Gogh hay Frida Kahlo cũng dùng hội họa để vượt qua những biến cố đau buồn trong cuộc sống.
Theo định nghĩa của Hiệp hội về Liệu pháp hội họa Hoa Kỳ, liệu pháp hội họa là việc ứng dụng hội họa hay các hình thức nghệ thuật nói chung, trên phương diện chuyên nghiệp, nhằm điều trị những chấn thương tâm lý, khắc phục trở ngại trong cuộc sống và phát huy những tiềm năng của bản thân. Thông qua việc sáng tạo và phản ánh trên các quy trình và sản phẩm nghệ thuật, con người xây dựng những giá trị tích cực về bản thân cũng như về những người xung quanh, thích nghi tốt với bệnh tật, stress và các chấn thương tâm lý, từ đó tăng cường khả năng nhận thức và đón nhận niềm vui trong cuộc sống từ việc sáng tạo nghệ thuật.
Nguồn gốc của Liệu pháp hội họa
Ngay từ ngàn xưa, con người đã biết cách thông qua các hình thức nghệ thuật để thể hiện bản thân, giao tiếp và trị bệnh, nhưng việc ứng dụng chúng như một liệu pháp chính quy chỉ mới được chính thức công nhận vào những năm giữa thế kỳ XX. Các bác sĩ nhận thấy rằng những bệnh nhân bị rối loạn tâm lý thường biểu đạt cảm xúc thông qua hình vẽ, từ đó dẫn đến ý tưởng vận dụng hội họa như một hình thức điều trị. Cũng từ đây, hội họa trở thành một bộ phận quan trọng trong nhiều lĩnh vực thuộc về chuẩn đoán và điều trị.
Liệu pháp hội họa được ứng dụng trong những trường hợp nào?  
Liệu pháp hội họa có thể được ứng dụng để điều trị nhiều loại rối loạn về tâm lý và tinh thần. Trong nhiều trường hợp, liệu pháp hội họa được thực hiện kết hợp với các kĩ thuật điều trị khác như điều trị theo nhóm hoặc các liệu pháp nhận thức – hành vi.
Một số trường hợp có thể ứng dụng liệu pháp hội họa để điều trị:
  • Trẻ em gặp khó khăn trong học tập và tiếp thu kiến thức, có biểu hiện tâm lý hoặc hành vi ứng xử bất thường ở trường hoặc ở nhà;
  • Những người bị stress, căng thẳng thần kinh hoặc có những vấn đề về sức khỏe tinh thần;
  • Những bệnh nhân bị chấn thương não;
  • Những đối tượng từng bị sang chấn hoặc thương tổn về mặt tâm lý.
Image
Liệu pháp hội họa hoạt động như thế nào?
Những chuyên gia về liệu pháp hội họa có thể vận dụng mọi hình thức nghệ thuật, từ vẽ tranh, điêu khắc cho đến thủ công mỹ nghệ để phù hợp với nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau, từ trẻ em cho đến người lớn tuổi. Các dịch vụ về liệu pháp hội họa có thể được triển khai ở những cơ sở công cộng như bệnh viện, phòng khám tư nhân, và những tổ chức phục vụ cộng đồng.
Tương tự như những người bình thường học hội họa, trong liệu pháp hội họa người bệnh cũng được dạy về các phương pháp vẽ và kĩ thuật thể hiện. Điểm khác biệt nằm ở trọng tâm của việc học: các bệnh nhân liệu pháp hội họa được khuyến khích thể hiện những hình ảnh bên trong nội tâm của họ thay vì phản ánh thế giới bên ngoài như trong các khóa học thông thường. Trong cuốn sách “The Art Therapy Sourcebook”, tác giả Cathy Maldiochi phân biệt rằng: “Trong khi các lớp học hội họa truyền thống thường yêu cầu bạn vẽ ra những thứ mà bạn phải vận dụng trí tưởng tượng, thì trong liệu pháp hội họa, những hình ảnh, cảm xúc, suy nghĩ và những ý tưởng trong chính thế giới nội tâm hiện hữu của bạn mới là điều quan trọng nhất.”
Tác dụng của liệu pháp hội họa đối với những người được điều trị
Về mặt cảm xúc:
Liệu pháp hội họa giúp người bệnh chủ động giải phóng những cảm xúc tiêu cực thay vì thụ động chờ đợi thời gian sẽ chữa lành những vết thương lòng, từ đó người bệnh có thể nhận thức và giải quyết những mâu thuẫn nội tâm mà chính bản thân họ cũng không biết. Liệu pháp hội họa cũng có khả năng giúp một người hiểu rõ bản thân mình hơn, từ đó học cách hài lòng với những gì mình có, kể cả những khuyết điểm mà trước đây họ không dám thừa nhận.
Về mặt xã hội:
Đối với những người nhút nhát, việc phải đi ra thế giới bên ngoài là một khó khăn thực sự vì họ cho rằng họ là những người duy nhất trên thế giới mang tâm lý e dè xã hội. Liệu pháp hội họa kết hợp với điều trị theo nhóm sẽ giúp những người này cởi bỏ gánh nặng đó, khi họ được tiếp xúc với những người cùng cảnh ngộ và có cơ hội thoát khỏi “vỏ ốc” khép kín. Việc tự tay làm nên những tác phẩm nghệ thuật giúp những người này nuôi dưỡng sự tự tin để từ đó, họ mang theo sự sự tin này vào cuộc sống thường nhật và phát huy khả năng thể hiện bản thân – điều mà trước đó họ nghĩ rằng mình không làm được.
Về mặt nhận thức:
Hội họa hay nghệ thuật nói chung là một phương tiện hữu hiệu trong việc kết nối hai bán cầu não độc lập của con người. Trong khi bán cầu não phải chuyên trách về trí nhớ thì bán cầu não trái điều khiển các hoạt động về ngôn ngữ. Điều này giải thích vì sao những người có ký ức đau buồn hoặc sang chấn tâm lý thường gặp khó khăn trong việc biểu đạt bằng cảm xúc. Những hình ảnh phản ánh kí ức hoặc sang chấn do những người này vẽ ra sẽ phần nào cho thấy những rào cản tâm lý của bệnh nhân cùng những nguyên nhân của chúng, từ đó giúp tìm ra biện pháp điều trị phù hợp. Những hình vẽ này không phải lúc nào cũng chính xác, nhưng chúng là cơ sở để việc điều trị được tiến hành đúng hướng.
Về mặt thể chất:
Lợi ích lớn nhất của liệu pháp hội họa đối với thể chất chính là tác dụng giảm stress và khơi dậy tính chủ động nơi người bệnh. Như đã đề cập trong phần lợi ích về mặt xã hội, liệu pháp hội họa giúp cho con người vượt qua tâm lý nhút nhát để thể hiện bản thân mình một cách tự tin và tích cực hơn, được biểu hiện cụ thể thông qua cử chỉ, điệu bộ, hay dáng người. Những tác dụng bên trong cơ thể bao gồm việc giúp hạ huyết áp, giảm sự lo lắng và tăng cường sức đề kháng. Liệu pháp hội họa cũng đồng thời có tác dụng giảm đau, chữa trầm cảm bên cạnh những phương pháp chữa trị tâm lý truyền thống.
Bên cạnh những lợi ích trên thì chính niềm vui của việc được thỏa sức lướt tay trên giấy, hòa trộn những sắc màu để vẽ ra hình hài của những suy nghĩ trừu tượng trong tâm trí sẽ giúp thay đổi tâm trạng của chúng ta theo chiều hướng tích cực hơn. Vẽ tranh không chỉ là một thú vui lành mạnh, mà biết đâu chừng việc thử sức trong lĩnh vực này sẽ giúp bạn khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của bản thân và có tác dụng làm cho cuộc sống cũng như tâm hồn bạn phong phú hơn./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618