Nhiều nghiên cứu cho rằng hội họa là hoạt động giúp trẻ thông minh hơn. Thông qua hội họa, trẻ được thể hiện những suy nghĩ của mình, cụ thể hóa những quan sát hay trí tưởng tượng phong phú về thế giới xung quanh bằng những nét vẽ và màu sắc. Nhưng làm thế nào để trẻ thực sự yêu thích môn nghệ thuật này?
- Để trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống
Ba mẹ nên chú ý cho trẻ ra ngoài nhiều hơn để thay đổi khung cảnh và để trẻ có cơ hội quan sát thế giới xung quanh vì đây là nền tảng để hội họa phát triển, giúp trẻ nhận biết sử dụng màu sắc một cách sinh động, phát huy trí tưởng tượng non nớt để thể hiện sáng tạo nội dung tranh vẽ, qua đó mà biểu lộ suy nghĩ, tình cảm, ước mơ của mình.
- Tham quan bảo tàng
Bảo tàng cũng có ích như một sân chơi nếu ba mẹ tiếp cận con trẻ đúng cách. Ba mẹ hãy giúp trẻ tăng sự tự tin và khả năng tự xây dựng cách thể hiện quan điểm cá nhân về thế giới xung quanh chúng, bằng cách đặt các câu hỏi: “Con nhìn thấy gì?”, “Con có cảm nhận gì về bức tranh?”, “Con có biết nó được vẽ bằng chất liệu gì không?”... Đừng quá tập trung vào việc phải xem hết tất cả các tác phẩm, ba mẹ chỉ cần dừng lại ở một vài tác phẩm để trẻ có được những cảm thụ tốt nhất.
- Tăng sự gắn kết tình cảm với con trẻ
Vẽ nguệch ngoạc trên giấy là thú vui tự nhiên của bất kì đứa trẻ nào. Các bé biết vẽ trước khi biết viết. Đó thực ra chính là biểu đạt tư duy đơn giản của trẻ về thế giới xung quanh, về những người trẻ quan tâm. Cha mẹ nên là những người khơi gợi trẻ bằng những câu hỏi, hình ảnh,… đồng thời, khuyến khích con trẻ thông qua những hành động đơn giản như khen con, cầm tay con cùng vẽ những hình đơn giản như quả cam, ngôi nhà, ông mặt trời...
- Mở ra cho trẻ một căn cứ bí mật – không gian sáng tạo
Ba mẹ không nên lúc nào cũng nhắc nhở trẻ, đôi khi chúng ta chỉ cần quan sát và để mọi thứ diễn ra tự nhiên. Hãy hỏi trẻ: "Con nghĩ con có thể dùng những giấy màu này để làm gì", "Còn những đoạn ruy băng này thì sao?". Con hãy tự lựa chọn và tự tìm hiểu cách sử dụng chúng. Và trẻ sẽ rất vui nếu chúng có được một không gian riêng để thỏa thích vui đùa và khám phá với các nguyên vật liệu mà chúng có hay chúng tìm thấy được.
Nếu cần thiết, hãy cho trẻ học tại các lớp năng khiếu để trẻ được tiếp xúc với những người bạn chung sở thích, được thầy cô chỉ dẫn những bước cơ bản. Từ đó trẻ sẽ phần nào nhìn nhận khả năng, bổ sung kiến thức và hoàn thiện kỹ năng vẽ.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét