Cách đây chừng 3-4 năm thôi, nếu nói đến một nhà đấu giá tranh tại Việt Nam, do người Việt sáng lập và điều hành, thì có thể bị cho là viển vông, mơ mộng. Nhưng hiện nay cả nước đã có 3-4 nhà đấu giá tranh hoạt động thường xuyên, song hành đó là hàng chục phiên đấu giá trên mạng, phiên đấu giá từ thiện. Tất cả đang làm cho thị trường tranh nội địa thêm sôi động, thu hút sự quan tâm của nhiều giới… Thử cùng Thể thao & Văn hóa (TTXVN) nhìn vài nét sơ lược về những hoạt động liên quan trực tiếp, hoặc gián tiếp đến đấu giá tranh Việt kể từ những năm 1925 cho đến nay.
Theo thời gian, ngày càng có nhiều nhà sưu tập nội địa ra nước ngoài đấu giá, đây là một thực tế mới tại Việt Nam hiện nay. Trong 5 thế hệ sưu tập tại Việt Nam, thế hệ nào cũng có người ra nước ngoài đấu giá, nhưng thế hệ thứ 5 thì có nhiều người đi hơn.
Một miếng giữa làng…
Có thể dùng câu thành ngữ “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” để chỉ lý do chính của việc ra nước ngoài đấu giá tranh. Việc mua bán chuyền tay, giao dịch ngầm vẫn xảy ra, và sẽ còn tồn tại lâu dài, nhưng nhiều nhà sưu tập lại muốn sự công khai, minh bạch.
Ngày 1/10/2017, nhà sưu tập Trần Tuấn Linh (Hà Nội) đấu giá thành công bức tranh Mẹ và con ở trong vườn của Lê Phổ tại nhà Sotheby’s Hong Kong. Với tổng chi phí cho tác phẩm lên đến 35.211 USD, chưa tính chi phí cho ăn ở, đi lại, thuế hải quan, nhưng Trần Tuấn Linh khá hài lòng. “Tôi cần sự minh bạch và bảo đảm nhất có thể nên muốn chọn các phiên đấu giá uy tín để đầu tư” - Trần Tuấn Linh nói. Cũng tại phiên này, gần 10 bức tranh khác đã thuộc sở hữu mới của người Việt.
Một lý do chính yếu nữa. Trong khoảng 30 năm (1986 - 2016), phần lớn tranh đẹp của mỹ thuật Việt Nam đã được bán ra nước ngoài, các nhà sưu tập thời nay muốn tái sở hữu thì phải chấp nhận đi mua cầm về. Các thế hệ sưu tập tại Việt Nam, từ thế hệ đầu như Đức Minh, Nguyễn Xuân Oánh… đều nhiều lần ra nước ngoài để tìm mua. Nhà sưu tập Nguyễn Minh (Hà Nội) thuộc thế hệ thứ 5, là một ví dụ điển hình. Trong hơn 200 tranh mà anh sở hữu được, có lẽ hơn một nửa anh đấu giá tại nước ngoài, trực tiếp hoặc trực tuyến.
Các phiên đấu của 15 nhà đấu giá có mỹ thuật Việt trải rộng khắp 5 châu, nhưng phổ biến nhất vẫn là ở Pháp, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Mỹ, Anh… Hoàn toàn có thể khẳng định các nhà sưu tập nội địa đã từng bén gót đến những nơi này để mua tranh.
Chiều 23/10/2017, giờ Paris, tại nhà đấu giá Aguttes, một nhà sưu tập đến từ phố Bà Triệu, Hà Nội (muốn giấu tên) đã đấu thành công bức tranh Hai thiếu nữ ngồi thêu của Vũ Cao Đàm với mức giá 226.950 euro (hơn 6 tỷ đồng), trong khi giá ước định từ 35.000 đến 40.000 euro.
Đi nước ngoài đấu giá đang trở thành xu hướng, vài phiên tại Singapore, Hong Kong, Paris… đã có cả chục nhà sưu tập tranh đến từ Việt Nam cùng tham gia đấu.
Ngồi nhà vẫn “đi đấu” quốc tế
Khoảng 5 năm trở lại đây, mạng Internet đã hỗ trợ đắc lực cho các nhà sưu tập tranh, giúp họ tiết kiệm đáng kể về thời gian và tiền bạc. Nhà sưu tập Nguyễn Minh cho biết anh đã đấu giá thành công nhiều tác phẩm quý giá qua mạng. Ví dụ tác phẩm Nơi hò hẹn của Vũ Cao Đàm anh đã mua 17.500 USD (chưa tính phí, thuế và hải quan) trên mạng shapiroauctions.com đặt tại Mỹ.
Trong 50 nhà đấu giá nghệ thuật danh tiếng và uy tín nhất thế giới, hơn 40 nhà đã thực hiện thêm các phiên đấu giá trực tuyến. Bên cạnh đó, đã xuất hiện những chuyên trang đấu giá nghệ thuật có bán mỹ thuật Việt như artprice.com, artsy.net, invaluable.com, liveauctioneers.com, artspace.com, onlineauction.com… Đây là chưa kể những trang bán hàng trực tuyến như Amazon, eBay, eBid, Bonanza, Webstore.com, Atomic Mall, eCRATER… thỉnh thoảng cũng có bán tranh Việt.
Ngoài sự tiết kiệm, ưu điểm lớn nhất của đấu giá trực tuyến là khả năng chia sẻ hình ảnh tác phẩm, kiểm tra chéo chất lượng sản phẩm. Những người hạn chế về ngoại ngữ, giao tiếp, hoặc ngại xuất hiện trước đám đông thì đấu giá trực tuyến càng thuận tiện. Một số quan chức và doanh nhân Việt Nam đang chọn cách thức này để được yên tâm.
Nhà sưu tập Phùng T.H. (xin viết tắt tên) cho biết chị đấu giá bằng tiền riêng, nhưng việc xuất hiện công khai cũng ngại, nó có thể ảnh hưởng xấu đến uy tín của cha mình, một quan chức đương nhiệm. “Việc chuyển tiền và nhận hàng qua đấu giá trực tuyến cũng khá dễ dàng, an toàn, nên tôi ưu tiên chọn nó. Hơn nữa, khi cần hỏi thông tin, chất lượng một tranh nào trước khi đấu, tôi có nhiều thời gian và nhiều chuyên gia hơn các phiên đấu trực tiếp” - chị H. nói.
5 thế hệ nhà sưu tập tranh Việt
Thế hệ thứ nhất (chủ yếu hoạt động trước thập niên 1990) có cả chục người nổi trội, ví dụ Đức Minh, Nguyễn Xuân Oánh, Tô Ninh, Nguyễn Văn Lâm, Trần Thịnh, Nguyễn Bá Đạm, Nguyễn Viết Châu… Thế hệ thứ hai (từ đầu thập niên 1990) có Hà Thúc Cần, Danh Anh, Đặng Hải Sơn, Trần Hậu Tuấn, Bùi Quốc Chí, Nguyễn Đăng Quang, … Thế hệ thứ ba (từ cuối thập niên 1990) có Quỳnh Nga, Đỗ Huy Bắc, Hàn Tấn Quang, Trần Tử Văn, Ngô Phương Quỳnh, Lê Thiệp, Phạm Phú Ngọc Trai… Thế hệ thứ 4 (từ đầu thập niên 2000) có Lê Thái Sơn, Đặng Lê Nguyên Vũ, Lan Hương, Đinh Hoa, Đỗ Thị Tuyết Mai… Thế hệ thứ 5 (từ khoảng 2010 trở lại đây) có Nguyễn Minh, Mai Thanh, Phan Minh Thông, Nguyễn Thanh Phượng… Từ khoảng 1945 cho đến nay, Việt Nam có hơn 100 nhà sưu tập mà “vua biết mặt, chúa biết tên”.
|
Theo https://thethaovanhoa.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét