Bằng chính niềm đam mê và nghị lực phi thường, chàng trai tật nguyền Lê Minh Châu đã tự thân vẽ nên một bức tranh sống động về cuộc đời mình.
Chưa từng qua trường lớp đào tạo hội họa, nhưng Lê Minh Châu (26 tuổi, quê Đồng Nai) đã tự thân tìm tòi, nghiên cứu để trở thành một họa sĩ thực thụ. Nhưng điều đáng để mọi người ngưỡng mộ và học hỏi ở Châu, đó chính là nghị lực phi thường của cậu.
Họa sĩ đặc biệt
Vừa chào đời, Châu đã kém may mắn hơn các anh chị của mình khi cả tay và chân của cậu đều bị teo nhỏ, không thể cầm nắm, đi lại như người bình thường. Nhưng bên trong thân hình “nhỏ nhắn” ấy, luôn bừng sáng một ý chí kiên cường, một ước mơ cháy bỏng, mà một người lành lặn chưa chắc có được.
Vì không đủ khả năng lo cho Châu, nên gia đình đã đưa Châu vào làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) để được các y tá tại đây nuôi dưỡng, lúc ấy Châu chỉ mới 6 tháng tuổi. Suốt 16 năm ròng rã sống tại làng Hòa Bình, Châu đã bắt đầu hình thành ý thức tự lập, mặc dù nhiều người nghĩ bản thân cậu “khó” có thể làm được.
Châu tâm sự: “Mình rất thích về quê vì từ nhỏ mình đã xa quê hương rồi. Trong ký ức của mình, quê hương nơi có cha mẹ, anh chị mình đang sinh sống là một vùng quê yên bình mà khi nhỏ mình rất muốn được về”.
Để chứng minh cho mọi người thấy mình “tàn nhưng không phế”, Châu đã phấn đấu rất nhiều, vượt qua mặc cảm, cậu chăm chỉ học tập. Năm 9 tuổi, Châu bắt đầu vào lớp 1. Và cũng vào thời điểm đó, tài năng hội họa thiên bẩm của cậu bắt đầu phát lộ. Lúc bấy giờ, trong tâm trí của cậu trai 9 tuổi luôn hiện diện hình ảnh của những bức tranh vẽ tường, cậu có thể dành hàng giờ đồng hồ để ngắm nhìn chúng.
Châu kể: “Ngày ấy, mình rất thích những bức tranh được họa sĩ mà mình chỉ nhớ tên là Linh vẽ trên tường tại làng Hòa Bình. Màu sắc, đường nét đó đã tạo cho mình một cảm giác thích thú. Và cũng chính họa sĩ đó đã truyền cảm hứng hội họa cho mình”.
Thấy được sự đam mê và năng khiếu hội họa của Châu, họa sĩ Linh nhận cậu làm học trò và bắt đầu dạy cho cậu những nét cọ đầu tiên. Ngày đầu tập vẽ, do tay yếu không thể cầm cọ được nên Châu bắt đầu thử dùng miệng để vẽ. Nhờ có năng khiếu cộng với sự chịu khó và chăm chỉ, Châu tiến bộ rất nhanh. Dần dần khả năng vẽ bằng miệng trở nên thuần thục đến ngạc nhiên. Những bức tranh của Châu được mọi người đánh giá rất cao về mặt thẩm mỹ lẫn kỹ thuật. Châu cười nói: “Vẽ bằng miệng nên chuyện nuốt màu, trẹo hàm là thường xuyên”.
Từ đó, những bức tranh của cậu vẽ bắt đầu có khách hàng đến mua. Và số tiền có được từ việc bán tranh cậu dùng để mua bánh kẹo, đồ dùng,… cho tất cả các bạn sống tại làng Hòa Bình. Đối với Châu, những ngày tháng sống tại làng Hòa Bình có thể nói là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời của cậu. “Bức tranh đầu tiên mình bán chỉ vài trăm nghìn đồng thôi, nhưng đó cũng là động lực, niềm khích lệ để mình phấn đấu”, Châu tâm sự.
Những uớc mơ đẹp
16 tuổi, Châu quyết định rời khỏi làng Hòa Bình để bước ra ngoài xã hội, nhằm tìm hiểu, va chạm nhiều hơn với cuộc sống và để tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Ngày đầu, Châu trở về quê nhà Đồng Nai để thăm cha mẹ. Song, Châu không ở lại nhà mà đến một ngôi chùa để xin tá túc. Đồng thời, Châu xin làm nhân viên thiết kế tại nhà cho một công ty thiết kế để kiếm tiền nuôi bản thân và học tiếp cấp 3. Châu tâm sự: “Mình bắt đầu có suy nghĩ chững chạc hơn, suy nghĩ nhiều hơn về tương lai và mình cũng đã chuẩn bị tâm lý, dù biết rằng đối với người khuyết tật như mình, việc tự lập rất khó, đó cũng là cơ hội để mình cố gắng phấn đấu nhiều hơn”.
Nhưng đang học thì Châu phải nghỉ ngang vì chuyện gia đình. Và rồi, Châu quyết định rời khỏi Đồng Nai, rồi lặn lội đến Q.7 và thuê lại một góc nhỏ của một cửa hàng nội thất, để thực hiện ước mơ mà cậu đã ấp ủ bấy lâu nay, đó là mở một phòng tranh của chính mình. Nhưng lúc đó, Châu không có tiền làm vốn. Cậu vay 1.300.000 đồng từ một người bạn mua các vật dụng dùng cho việc vẽ.
Một nhóm nhạc được Châu vẽ giống y như thật
Bức tranh bàn tay chạm đến mặt trời ước mơ của Châu
Trời không phụ lòng người, tranh cậu vẽ ra được bao nhiêu là có người mua hết bấy nhiêu: “Có vị khách từ Canada ghé tiệm bất ngờ nhìn mình thật lâu, chắc do thấy mình vẽ tranh bằng miệng. Lát sau, ông ấy nói muốn mua bức tranh mình đang vẽ với giá 150 CAD (đô-la Canada), bức vẽ đó lấy chủ đề về một vùng quê thuộc Bến Tre”, Châu kể.
Và rồi buổi triển lãm tranh đầu tiên của Châu cũng được tổ chức. Châu dùng 50% số tiền có được từ buổi triển lãm để làm từ thiện. “Lúc quyết định mở phòng tranh mình cũng đắn đo lắm, rồi mình quyết định làm liều, thất bại cũng không sao, quan trọng là mình làm được những gì mình thích, những gì mình đang đeo đuổi”, Châu tự hào nói.
Tính đến nay, Châu đã vẽ hơn 2.000 bức tranh, theo nhiều chủ đề khác nhau, cậu có thể ngồi vẽ hàng giờ đồng hồ mà không sợ bị cạn ý tưởng: “Với những bức tranh nhỏ mình vẽ tầm 15 phút, còn những bức lớn hơn thì mình vẽ khoảng 2 ngày là xong, nhiều lúc hăng quá mình nuốt luôn cả màu”, Châu nói.
Hiện tại, Châu vừa học đàn, vừa dạy vẽ và làm thiết kế. Đối với Châu, công việc hiện tại chỉ là bước đệm để cậu thực hiện ước mơ cao cả hơn, là trở thành một họa sĩ và nhà thiết kế nổi tiếng.
Phan Định
0 nhận xét:
Đăng nhận xét