Đi biết bao ngôi làng, trong đó có những ngôi làng còn giữ được vẻ đẹp bình dị, hay ngôi làng đã bị đô thị hóa, tôi nhận thấy có nhiều điều chúng ta phải ra sức gìn giữ. Đến với làng Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội) từ lâu được gọi là “làng họa sĩ”, mỗi chúng ta đều sẽ cảm nhận tốt hơn những gì còn lại của một làng cổ, làng văn hóa và thế nào là cuộc sống trong quá trình đang bị đô thị hóa.
Vẻ lãng mạn Cổ Đô |
Vẻ bình dị vẫn còn
Bây giờ Cổ Đô được biết đến không chỉ là một ngôi làng, mà còn là nơi đào tạo ra lớp họa sĩ mới đầy triển vọng. Có lẽ, đây là một ngôi làng độc đáo nhất, có nhiều người đam mê hội họa nhất, đồng thời họ cũng biết tận dụng gia tài của cha ông là truyền thống hiếu học, niềm đam mê và cảnh đẹp bình dị để cùng vun đắp cho tiếng tăm của quê hương ngày một vang xa.
Ba mặt làng là đồng xanh vây quanh, một mặt giáp đê, bởi vậy người dân vẫn bảo làng ấp mình bên dòng sông Hồng, đoạn gặp nhau của ba con sông, ba màu nước lại là nơi hội tụ biết bao huyền thoại từ thủa hồng hoang.
Làng có nhiều cổ thụ che bóng mát, nuôi dưỡng những ước mơ tuổi thơ, có lũy tre xanh rì rào và nhiều câu chuyện cổ về đời sống tâm linh cũng như sản xuất nông nghiệp đã đi sâu vào tiềm thức. Xa xưa, làng có nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa và lụa ở đây cũng có thể sánh ngang với lụa Vạn Phúc, từng được đưa vào cung tiến vua.
Vẻ đẹp đó làm tôi nghĩ đến làng mình. Ngôi làng ở mạn đồng chiêm trũng, vùng huyện Phú Xuyên, trong lưu vực sông Đáy và sông Nhuệ - là ngôi làng từng làm nức lòng biết bao người thành phố về “phượt đồng” chụp ảnh.
Cổ Đô cũng làm tôi nhớ đến làng cổ Cự Đà, ngôi làng cổ nằm bên dòng sông Nhuệ, nay đã bị tốc độ đô thị hóa “cày nát”. Nhiều ngôi nhà cổ bị đập bỏ để dựng lên những ngôi nhà bê tông cốt thép 3 đến 4 tầng. Sông Nhuệ chảy qua làng thì ô nhiễm, chẳng tìm đâu được cảnh lãng mạn trên bến dưới thuyền ngày xưa nữa.
Còn Cổ Đô sẵn có vẻ đẹp tự nhiên, nằm bên sông có nhiều bờ, bãi nổi... Cổ Đô là làng lụa, làng thơ, làng họa, là “địa linh”, nơi có dải đê quanh năm xanh ngắt như dải lụa vắt qua làng, êm đềm như suối tóc, càng tạo thêm vẻ trữ tình cho một vùng quê yên ả. Hơn thế, tài vẽ tranh của người dân là một gia tài hiếm có, tất cả những tài năng ấy gộp lại đủ sức đẩy thương hiệu “làng họa sĩ” đi xa hơn.
Để thương hiệu làng vang xa
Nhà nghiên cứu văn hóa làng quê Vũ Kiêm Ninh chia sẻ: “Việc làng họa sĩ Cổ Đô còn giữ được những nét đẹp bình dị là điều đáng mừng. Các thế hệ họa sĩ của làng cũng đã và đang cố gắng truyền nghề, thắp lửa đam mê cho các em học sinh. Đó là điều chúng ta cần học tập”.
Lời của nhà nghiên cứu Vũ Kiêm Ninh khiến tôi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, rằng vì sao Cổ Đô lại giữ gìn được những nếp văn hóa và niềm đam mê cho các thế hệ con em của làng? Đa số các họa sĩ đều cho rằng, để giữ được thì ngoài điều kiện tự nhiên, rằng ngôi làng ấy phải ở một địa thế không dễ dàng trở thành “con mồi” của đô thị hóa. Tức là không thuộc diện dễ dàng để quy hoạch trở thành khu công nghiệp, làm đường sá.
Một số người khác thì cho rằng, các họa sĩ chính là linh hồn của Cổ Đô. Và nề nếp yêu hội họa được thắp lửa bởi những người họa sĩ tâm huyết, tạo nên một mạch chảy sinh động, lắng đọng của làng. Được biết, người đầu tiên gieo mầm hạt giống đam mê hội họa cho làng là cố họa sĩ Sỹ Tốt.
Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, có tranh ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và thế giới. Ông là một trong những học viên khóa đầu tiên của trường Mỹ thuật Việt Nam, em trai ông là họa sĩ Sỹ Tuấn, con trai là họa sĩ La Vuông đều là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sỹ Tốt vẽ nhiều tranh cổ động về Bác Hồ, công nhân, chiến sĩ trong chiến trường, làng quê…
Tranh của ông chất phác, mộc mạc như tính cách người Cổ Đô. Từ năm 2006, Bảo tàng Mỹ thuật “Sỹ Tốt và gia đình” đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và con cháu trong gia đình xây dựng, làm nơi lưu giữ những bức tranh và những kỷ vật của ông. Tài năng của ông được đánh dấu bằng nhiều giải thưởng mỹ thuật.
Năm 2007, ông được Nhà nước tặng giải thưởng Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Nguyễn Văn Nhất, cháu nội họa sĩ Sỹ Tốt cho biết: “Từ khi được thành lập đến nay, bảo tàng đã đón nhiều lượt du khách đến tham quan, trong đó có nhiều thế hệ sinh viên mỹ thuật.
Khách nước ngoài đến Cổ Đô không thể không đến bảo tàng này. Điều đó khích lệ những người con, cháu chúng tôi học tập tốt, vẽ tốt hơn. Cũng nhờ có nhiệt tâm của ông nội tôi từ xưa, mà sau đó làng có thế hệ họa sĩ thứ hai cũng rất giỏi là các họa sĩ Nguyễn Ngọc Cũi, Trần Hòa, Giang Khích, Hoàng Việt, Sao Mai, La Vuông…”.
Sau đó là họa sĩ Nguyễn Ngọc Cũi – người học trò xuất sắc của Sỹ Tốt. Ông Cũi hiện sống trong ngôi nhà, cũng là phòng tranh của mình với nhiều bức vẽ làng quê tươi tắn, bình dị. Đó là gia tài mà ông vô cùng yêu quý, và ngày nào ông cũng được tắm táp trong không gian bình yên, đầy mầu sắc đó. Nguyễn Ngọc Cũi biết vẽ từ năm 12 tuổi và khi lớn lên, được chú ruột Sỹ Tốt truyền lửa đam mê.
Ông chia sẻ: “Họa sĩ Sỹ Tốt bảo tôi, đam mê là cái đầu tiên mà mỗi người học vẽ cần có, nó là công cụ để phát triển năng khiếu. Bản thân Sỹ Tốt, ông rất trân trọng những ngày tháng sống vất vả, bởi nó cho ông vốn sống và từ đó làm nên tài năng của ông…”.
Cổ Đô còn có các “đại gia” sở hữu phòng tranh tại gia đình như Hoàng Tùng, Hoài Yên, Trần Hòa và một số họa sĩ chuyên dạy cho các em nhỏ là Nguyễn Luân, Hoàng Việt. Tất cả những họa sĩ này đang “giữ lửa”, truyền nghề và hết mình hướng cho thế hệ sau giữ tâm hồn trong trẻo, thanh khiết.
Từ chuyện một ngôi làng để ngẫm ngợi về những ngôi làng khác. Rằng vì sao Cổ Đô còn giữ được vẻ đẹp bình dị mà những ngôi làng khác lại không? Phải chăng, từ những lý do đã kể trên, thì những ngôi làng từng “đẹp trong mắt ai” nay đã không còn hồn cốt xưa cũ đã bị xâm thực quá nặng, và những ngôi làng ấy không còn những người tâm huyết đưa thương hiệu làng vang xa?
Cổ Đô đang làm du lịch. Mỗi năm đón khoảng 100 đoàn khách và khách lẻ là học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu đến tham quan. Điều đó giúp cho làng có hy vọng về một cái nhìn chiến lược hơn nữa, là biến làng trở thành làng bích họa, biến những con ngõ, bức tường thành những bức tranh sinh động.
Diên Khánh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét