Âm thầm ghi lại sự đổi sắc của thiên nhiên vạn vật và con người khi xuân sang, ba họa sĩ Nguyễn Văn Đức, Hoàng Đức Dũng, Nguyễn Văn Cường đã tái hiện những nét xuân duyên dáng, mơ màng trong triển lãm chung mới nhất. Triển lãm “Lặng lẽ” vừa là không gian trưng bày những tác phẩm ưng ý nhất của các họa sĩ trong năm 2017, vừa là giãi bày của họ về mùa xuân, con người và cuộc đời.
“Lặng lẽ” quy tụ 23 tác phẩm của ba họa sĩ vẽ về chủ đề mùa xuân, nhằm lột tả những vẻ đẹp bình dị, giản đơn của cuộc sống. Triển lãm đã khai mạc vào tối ngày 2/1 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).
Đại diện nhóm ba họa sĩ cho biết: Triển lãm trưng bày các bức tranh xuân, nhưng lại mang tên “Lặng lẽ”, không phải là mùa xuân lặng lẽ, mà muốn nói đến công việc sáng tác âm thầm, lặng lẽ, bền bỉ, thường xuyên của họ.
Triển lãm “Lặng lẽ” vừa được khai mạc tối ngày 2/1 tại Hà Nội
Tác phẩm “Nắng thu” của họa sĩ Nguyễn Văn Đức
"Chuyển mùa” của Nguyễn Văn Đức
Ba họa sĩ, ba cá tính, ba phong cách vẽ, nhưng trong triển lãm lần này, những bức tranh được lựa chọn đều mang nét duyên thầm mơ màng, phảng phất, dịu dàng. Những bức tranh không quá dữ dội, mạnh mẽ ngay cả khi họa sĩ sử dụng các gam màu nóng. Sắc màu của Tết, của xuân bừng lên tinh khôi, vừa rực rỡ vừa yên bình.
Phát biểu trong lễ khai mạc triển lãm, họa sĩ, PGS.NGND Lê Anh Vân - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - cho biết: Ông rất xúc động vì ba họa sĩ, mỗi người một vẻ, đã tạo nên không khí tràn đầy sắc xuân, sự bồng bềnh, lãng mạn cho phòng tranh này. “Tôi nghĩ ở đây đã bừng lên một sắc xuân thực sự, chứ không phải lặng đâu”.
Hoạ sỹ Hoàng Đức Dũng khiến người xem tranh của anh mơ màng giữa hư hư thực thực, đắm chìm trong phong cách vẽ làm nên tên tuổi của anh trong hơn 10 năm qua. Trong tranh của Dũng, những ngày giao mùa tràn ngập sương sớm, mây mù bảng lảng nơi vùng cao hay con sông quê chìm ẩn trong sương mai... đều hiện lên với sự phủ mờ như mộng ảo.
Hoạ sỹ Hoàng Đức Dũng đã làm nhòe bề mặt của các bức tranh để tạo nên sự chuyển động nhịp nhàng. Ngắm nhìn những bức tranh của anh, người xem như thấy gợn mây đang trôi nhẹ, một đám sương mù đang được gió chậm thổi ra xa... và cảm nhận rõ hơn về sự chuyển biến giữa thực sang hư, hư đến thực mà họa sĩ này đem đến.
Đặc biệt là họa sĩ Nguyễn Đức Dũng không sử dụng nhiều màu sắc mà “lợi dụng” nhiều sắc độ màu để tạo ra hiệu ứng mờ ảo, sự biến chuyển các tầng cảm xúc trong tranh. Những bức vẽ trên mặt phẳng, nhưng tạo được chiều sâu thăm thẳm, có khi vật thể như nổi lên, hiển hiện rõ nét trên bề mặt. Các tác phẩm trong triển lãm lần này của anh thiên về màu vàng nhẹ, màu sáng để gợi lên sự nhẹ nhàng, qua đó diễn tả không gian mờ ảo, thâm trầm mà không quá dữ dội, gợi cho người xem sự yên bình trong tâm hồn.
Hai phiên bản “Dòng sông” của Nguyễn Đức Dũng
Họa sĩ Đức Dũng tâm sự: “Ai cũng muốn có sự bình yên, yên tĩnh, nhất là cuộc sống bây giờ có quá nhiều tác động, sức ép lôi kéo biến người ta không còn là mình. Tôi muốn dùng sự chuyển sắc, chuyển độ đậm nhạt của những gam màu để đem đến cảm giác bình yên, thân quen, gần gũi cho người xem tranh”.
Sắc xuân Sapa hiện lên trong tranh của Hoàng Đức Dũng
Bàn về những tác phẩm của Đức Dũng, họa sĩ Lê Anh Vân chia sẻ: Chúng ta quen với không gian anh vẫn dùng, nhưng lần này “tôi thấy có những chuyển biến”. Các chi tiết, từng tầng ánh sáng trong tranh kết hợp với nhau tạo nên cảm giác mơ màng, nhẹ nhàng, bồng bềnh và cả sự lãng mạn khi xem tranh.
Còn ở những bức tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Văn Đức, cảm giác như anh luôn đùa với các bút pháp, đùa với sơn chứ không cố tình diễn tả hiện thực của cuộc sống, phong cảnh đó. Ông Lê Anh Vân nói. Dù không cố, nhưng những gì hiện lên trong tranh của Văn Đức khiến người xem cảm giác rất thật. Ở trong đó, không gian cũng tinh tế, lãng mạn.
Tranh sơn dầu “Ngày bình yên” của họa sĩ Nguyễn Văn Đức
Tác phẩm “Đuòng về” của Nguyễn Văn Đức
“Sắc xuân vùng cao” qua sự tái hiện của họa sĩ Nguyễn Văn Đức
Hoạ sĩ Nguyễn Văn Cường lại tái hiện nét xuân qua khuôn mặt, dáng hình của những thiếu nữ, mẹ già, con trẻ. Với anh, mùa xuân là những giây phút hoài niệm về ước mơ và những kỷ niệm cuộc đời. Từng nhân vật mà họa sĩ Văn Cường vẽ đều ẩn chứa nội tâm sâu sắc. “Chính sự sâu sắc cá nhân này tạo cho triển lãm thêm sự chắc chắn giữa những lãng mạn, bồng bềnh” – họa sĩ Lê Anh Vân nhận định.
Các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Cường trong triển lãm “Lặng lẽ”
Theo họa sĩ Nguyễn Văn Cường, con người có những biểu hiện đặc trưng của mùa xuân, nên anh muốn thể hiện nó. Đặc biệt là nét duyên thầm. Trong tranh của anh có những nhân vật lấy nguyên mẫu từ đời thường như bà ngoại của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến (nhân vật trong bài hát “Bà tôi”), một nữ doanh nhân và con gái của anh.
“Ta về với mẹ ta thôi” được họa sĩ Nguyễn Văn Cường lấy nguyên mẫu từ người bà trong bài hát “Bà tôi”
Họa sĩ Nguyễn Văn Cường nói: “Tôi luôn nghĩ cuộc sống có thể có nhiều bề bộn, thăng trầm, gian lao vất vả. Nhưng khi mùa xuân về, tôi muốn nhìn cuộc sống tươi đẹp, đầy hy vọng và muốn thể hiện điều này trong các tác phẩm của mình. Người phụ nữ, xét về khía cạnh khác, cũng là biểu hiện cho sự tươi trẻ của mùa xuân”.
Các tác phẩm trong Triển lãm “Lặng lẽ” của ba họa sĩ sẽ mang đến cho công chúng những xúc cảm mạnh mẽ trước vẻ đẹp quê hương, đất nước, con người cũng như trước ngưỡng cửa mùa xuân.
Triển lãm kéo dài từ ngày 2 đến ngày 9/1 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Vào cửa tự do.
Theo SM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét