Lần đầu tiên tại Việt Nam có một Triển lãm hội họa cá nhân với số lượng tác phẩm lên đến trên 300. Sau 4 tháng trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội, giới yêu hội họa vẫn không khỏi choáng ngợp trước quy mô và sự sáng tạo ngoài sức tưởng tượng của 2 họa sỹ Ngô Xuân Bính và Lê Văn Thìn.
Sơn mài truyền thống Việt Nam đã được định hình, tạo nên nét độc đáo của hội họa Việt. Không ít tác phẩm của các họa sĩ danh tiếng đã có mặt tại các triển lãm Mỹ thuật Quốc tế, hiện diện trong những bảo tàng trong nước và nước ngoài. Nhưng như thế không có nghĩa là không còn gì để sáng tạo và tìm tòi. Sự tìm tòi sáng tạo của họa sĩ Ngô Xuân Bính và Lê Văn Thìn đã khẳng định con đường riêng mang bản sắc sơn mài đương đại và họ đã đóng góp thêm sự đa dạng cho tranh sơn mài Việt Nam.
Triển lãm tranh Du và Dội được nhiều người yêu hội họa trong và ngoài nước quan tâm |
Qua triển lãm Du và dội, giới hội họa không khỏi bày tỏ sự ngưỡng mộ với họa sỹ Ngô Xuân Bính, bởi chỉ có những tác phẩm của ông mới được thực hành song song với y học, võ thuật và thơ văn. Đó là nghệ thuật trừu tượng chuyển hóa trong truyền thống đặc sắc của hội họa Việt Nam.
Demyan, một họa sỹ trẻ người Nga đã đến thăm triển lãm “Du và dội” tại Bảo tàng Hà Nội đã không khỏi ngạc nhiên trước những tác phẩm hội họa mang đậm phong cách vẽ đương đại trên tạo hình truyền thống Việt của 2 họa sỹ. Demyan chia sẻ: “Tôi đã từng đến xem triển lãm của họa sỹ Ngô Xuân Bính tại Matxcơva, nhưng hôm nay đến Hà Nội vẫn không khỏi choáng ngợp với hơn 300 tác phẩm hội họa của ông cùng họa sỹ Lê Văn Thìn. Ở triển lãm lần này, họa sỹ Bính vẽ chủ yếu theo thể trừu tượng và biểu hiện. Đó là phần tái hiện những quy luật tự nhiên bằng ngôn ngữ đặc trưng của tạo hình, bộc bạch nguồn năng lượng và tư duy hình tượng”.
Họa sỹ Ngô Xuân Bính có 3 lần triển lãm tranh ở Minxcơ, 3 triển lãm cá nhân ở Matxcơva và 2 triển lãm cá nhân ở Việt Nam. Năm 2006, ông đạt giải ARTIADA - Giải xuất sắc của Triển lãm Nghệ thuật tại Liên hoan Nghệ thuật tổng hợp quốc tế lần thứ 7 tại Matxcơva. Năm 2008, ông đạt giải xuất sắc và được bình chọn là một trong 10 hiện tượng Hội họa trong tháng tại Triển lãm quốc tế lần thứ 2 ở Matxcơva. Năm 2010, Ngô Xuân Bính được Viện Hàn lâm nghệ thuật tạo hình Liên bang Nga trao tặng danh hiệu "Viện sĩ danh dự".. |
Còn Trần Ngân Anh, cựu sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên được xem một triển lãm hoành tráng về tác phẩm như thế này. Hơn nữa, được biết họa sỹ Ngô Xuân Bính là một chuyên gia võ thuật, một nhà y học cổ truyền cho nên Ngân Anh tin rằng những tác phẩm hội họa của ông sẽ có nhiều khác biệt, đáng xem. “Vào hôm khai mạc triển lãm mình cũng đến nhưng vì lượng khách qua đông, mình không thể chen vào để xem được nên đành chờ một thời gian mới đến để thưởng thức. Tiếc rằng nhiều bức đã được bán đi nhanh chóng nên mình không được xem. Mình cảm nhận được trong tranh của 2 họa sỹ là một thế giới thật gần, thật nguyên sơ nhưng vô vàn siêu nhiên, giống như họ có thế dùng tranh để chế ngự không gian, làm chủ thời gian”, Ngân Anh nhận xét.
Tranh sơn mài truyền thống tồn tại, phát triển rực rỡ trong suốt thế kỷ 20 với lối vẽ “âm” dùng mài để thể hiện cảm xúc, màu sắc, đường nét. Họa sỹ Ngô Xuân Bính tiếp thu giá trị truyền thống, song lại mạnh dạn kết hợp lối vẽ của phương Tây, diễn tả trực tiếp cảm xúc tạo thành lối vẽ “dương”. Sự kết hợp hai lối vẽ “âm”, “dương” trên mặt tranh tạo nên những hiệu ứng tương hỗ, khiến tác phẩm thêm lung linh, bí ẩn những lớp màu với chiều sâu ẩn hiện và giúp cho cách vẽ “dương” thêm mạnh mẽ, tươi sáng, màu sắc như được dồn nén, tạo sự hài hòa mới cho sơn mài Ngô Xuân Bính.
“Đây là triển lãm do tôi và họa sỹ Lê Văn Thìn cùng thực hiện, riêng cá nhân tôi đây có lẽ là triển lãm lớn nhất trong sự nghiệp hội họa của mình với hơn 300 tác phẩm khổ lớn với đủ mọi thể loại không riêng tranh sơn mài. Chúng tôi tập trung hướng vào ý niệm tinh thần của truyền thống và hiện đại với mong muốn nhận ra thế giới luôn kỳ lạ, rất thương yêu và rất mới mẻ”, Họa sỹ Trần Xuân Bính cho biết.
Những tác phẩm triển lãm lần này dường như “phơi bày” cuộc sống “hỉ, nộ, ái, ố” của tác giả bởi “tranh là đời, đời là tranh”. Những bức như: “Hớp hồn”; “Tiềm thức”; “Hoang dại”; “Bí ẩn” hay như tác phẩm “Lên đồng”; “Vân tranh” tác giả đã lấy ý niệm về chuyện cổ tích và huyền thoại trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam để thể hiện lên tranh.
Ở bất kì lĩnh vực nào họa sỹ Ngô Xuân Bính cũng để lại những tiếng vang lớn, song vài năm gần đây ông tiếp tục ghi dấu ấn trong giới hội họa nhờ những bức tranh sơn dầu nổi tiếng. Đó là bởi vì hiện nay có hàng trăm nhà sơn mài, tự nhiên có một phong cách không giống người khác, không bị người khác chi phối, làm nên một “Du và dội” với sự du hành của nhịp điệu và muôn cơn rung động chất đầy năng lượng trào ra mãnh liệt trong từng bức tranh khiến giới yêu hội họa kinh ngạc.
Bảo Thoa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét