Dịp nghỉ hè, nhiều bạn nhỏ đối mặt vô số nguy cơ từ mạng xã hội, trò chơi điện tử...
Game online bủa vây người trẻ. |
Mồi ngon của cờ bạc, game online
Vừa dự xong lễ tổng kết cuối năm, Tình (12 tuổi, học sinh lớp 7 trường N.T.H, Q.10, TPHCM) đã tót thẳng đến tiệm game gần đó để “cày”. Đeo tai nghe vào, Tình gần như không còn biết gì về thế giới bên ngoài, mắt chỉ chăm chú vào hình ảnh các nhân vật game múa may quay cuồng, tay cậu đập rầm rầm liên hồi lên bàn phím.
Rảo qua nhiều tuyến đường của TPHCM, chúng tôi thấy vô số tiệm game ở những khu vực gần trường học. Các tiệm game này thường xuyên tổ chức các giải đấu, trung bình 1-2 giải/tháng như: giải liên phòng máy, giải đấu solo, giải đấu Liên minh huyền thoại; giải đấu Liên minh huyền thoại sinh viên 2018…
Trên đoạn đường ngắn nối tiếp giữa đường Hòa Hảo (Q.10) và đường Ngô Quyền (Q.5) có gần chục tiệm game online. Đối diện Trường PTCS-PTTH Đào Duy Anh (Q.6) có 2 tiệm game online. Ông Đoàn Văn Thông (46 tuổi, có con nghiện game) rớt nước mắt kể: “Từ một học sinh khá giỏi, cuối năm lớp 10, nghe theo bạn bè, nó tập tành chơi game rồi nghiện nặng lúc nào không hay. Gia đình tôi là dân lao động, suốt ngày làm mướn làm thuê ngoài đường có hay biết đâu. Lúc phát hiện ra thì quá muộn…”.
Các game thủ thường lập hội trên Facebook để tiện trao đổi chuyện chơi bời. Từ đó phát sinh nhiều chuyện khiến phụ huynh, nhà trường và xã hội đau đầu như chửi bới, đánh nhau, đua xe, đánh bạc online... Không chỉ bài bạc trên mạng, nhiều học sinh, sinh viên còn sát phạt nhau một cách trực tiếp. Tại quán cà phê trên đường Điện Biên Phủ (P.17, Q.Bình Thạnh) thường xuyên có một nhóm học sinh đến tụ tập đánh bài sau giờ tan học. Các em học sinh còn nguyên đồng phục học sinh, vừa chia bài vừa chửi thề khiến nhiều khách trong quán lắc đầu.
Học sinh còn nguyên đồng phục tụ tập đánh bài ở quán cà phê. |
Phòng chống sa đà, nghiện ngập
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM vừa ra văn bản gửi trưởng phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, THPT; giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc… cảnh báo tình trạng học sinh, sinh viên, giáo viên tham gia đánh bạc qua mạng. Theo nội dung văn bản, gần đây xảy ra tình trạng một số cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia cá độ, đánh bạc qua mạng.
Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh, sinh viên trong việc phòng tránh cá độ, đánh bạc. Đồng thời, các cơ sở giáo dục phải phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, rà soát, nắm bắt thông tin tố giác về cán bộ giáo viên, học sinh, sinh viên có các hành vi liên quan cá độ, đánh bạc để kịp thời xử lý.
BS Huỳnh Thanh Hiển, BV Tâm thần TPHCM, đã và đang chữa cho nhiều trường hợp nghiện game trong độ tuổi học sinh. Nhiều em chỉ cần điều trị tâm lý vài tháng là ổn, nhưng cũng có những em phải can thiệp bằng thuốc. Để phòng chống con em mình nghiện game, gia đình phải quan tâm bọn trẻ, phát hiện sớm các biểu hiện nghiện game như học hành sa sút, thích đóng cửa ở trong phòng một mình, thường xuyên nói dối để ra ngoài chơi, tiêu tiền bất hợp lý... “Nếu chẳng may gia đình có con em nghiện game, thay vì la mắng, phụ huynh nên nhờ thầy cô, bạn bè động viên, khuyên răn. Đồng thời lập thời gian biểu để cùng cháu thực hiện các công việc trong ngày, bớt thời gian cho trẻ tiếp xúc với máy tính, nhưng không nên cắt đột ngột. Phụ huynh phải xác định chặng đường cai nghiện game cho con không ngắn, đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn nại, nếu không, trẻ dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mất kiểm soát và gây hậu quả xấu” – BS Hiển tư vấn.
Đại diện thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, Nhà nước đã có quy định về dán nhãn độ tuổi trên các đầu game để đảm bảo các em chơi những loại game phù hợp với độ tuổi, sự phát triển tâm sinh lý. Tuy nhiên, việc các em chơi game nào, có phù hợp với độ tuổi hay không lại rất khó kiểm soát và phụ thuộc vào sự trung thực của người chơi và nơi cung cấp dịch vụ Internet. Vị này khuyến cáo bên cạnh sự quản lý của Nhà nước, phụ huynh phải là người theo sát, uốn nắn con cái khi bắt đầu có dấu hiệu sa vào game online.
Theo các chuyên gia, tùy điều kiện mỗi gia đình, các bậc phụ huynh nên gợi ý và cùng con lên kế hoạch hè phù hợp. Tốt nhất nên hướng con đến hoạt động rèn luyện kỹ năng sống từ các khóa học cũng như trải nghiệm thực tế... Trong đó, cho trẻ về quê là lựa chọn tuyệt vời, vừa có điều kiện gắn kết tình cảm với người thân trong gia đình, vừa cho trẻ thư giãn, gần gũi thiên nhiên. Nếu con lựa chọn hoạt động hè ngay tại nhà như đọc sách, vui chơi cùng ông bà, các bậc cha mẹ cần chú ý đến yếu tố an toàn, sức khỏe không nên để trẻ sử dụng máy tính, tivi quá nhiều, Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, tư vấn.
(còn tiếp)
NGUỒN: TIENPHONG.VN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét