Trung Tâm Đào Tạo Mỹ Thuật Nét Ngộ - Địa Điểm Đào Tạo Mỹ Thuật Dành Cho Thiếu Nhi, Người Lớn - Viết Thư Pháp - Thư Họa - Kí Họa - Chì Màu - Vẽ Chân Dung - Vẽ Tranh Sơn Dầu - Luyện Thi Đại Học Khối V, H...Hotline: 0902641618

TRIỂN LÃM NGHỆ THUẬT

A

Bài đăng phổ biến

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

Dạy bé học vẽ - khơi nguồn cái đẹp!

Khai mạc vào cuối tháng 4, kéo dài đến 30-7, triển lãm nghệ thuật đặc biệt tại Times City (Hà Nội) đã dựng lại một thế giới tuổi thơ đầy quyến rũ. 
Đặc biệt, tất cả những bức tranh trưng bày trong triển lãm đều do con trẻ vẽ, những cháu bé không năng khiếu bẩm sinh, chỉ được học vẽ một cách ngẫu hứng, nhưng đã tự tin dùng sắc màu và ánh sáng thể hiện đa chiều cuộc sống theo cách nhìn độc đáo của riêng mình.

 
                                           Cầu vồng cá của Nguyễn Bá Hiếu 10 tuổi.
Sáng thứ bảy cuối tuần, tầm 9h, những căn phòng nhỏ decor vui mắt trong một biệt thự cũ tại ngõ phố Quán Sứ lại ríu ran vì tiếng trẻ con cười đùa, chí chóe, tiếng lạo rạo của bút lông chạm vào toan, giấy... 

Các ông bố bà mẹ đưa con tới lớp học vẽ của Jiu Art kiên nhẫn ngồi đợi và thích thú khi tận mắt chứng kiến con mình, những đứa bé đang bi bô học nói, hoặc vỡ vàng học chữ... đã biết cách thể hiện sự vật bằng hình họa. 

Một lọ hoa loa kèn đơn côi bàn mẫu, trong hơn một giờ đồng hồ buổi sáng, đã tươi tắn sống động và ngộ nghĩnh trên trang vẽ của những cô bé, cậu bé vốn đang cực kỳ hiếu động. 

Thỉnh thoảng cô Ngọc, giáo viên phụ trách lớp học lại liếc qua bài của bạn này, ngắm nghía bài của bạn kia và đưa ra những nhận xét nghiêm túc.

Học vẽ với tuổi thơ không đơn thuần là câu chuyện hoàn thiện một bức tranh, để bố mẹ các bé hãnh diện chụp ảnh rồi khoe lên facebook, nhận vô vàn like kèm comment xuýt xoa tán thưởng, mà căn cốt hơn, chỉn chu hơn, chính là để cho trẻ vỡ vạc bản thân, tự khám phá bản thân, hình thành nên khả năng cảm thụ nghệ thuật, trau dồi khả năng biểu đạt cảm xúc cá nhân bằng ngôn ngữ hội họa. 

Những đứa trẻ được học hội họa từ ấu thơ, không phải cha mẹ ham muốn con cái mình trở thành họa sỹ chuyên nghiệp, thành người nổi tiếng mà đơn giản hơn, nhưng cũng thực tiễn hơn, chỉ tiếp thêm năng lượng giúp em bé bây giờ khi làm người lớn người trưởng thành về sau đủ nền tảng kiến thức lẫn cảm xúc để biết tư duy về cái đẹp, cảm thụ cái đẹp, biết đón nhận và trân trọng nghệ thuật, rồi từ đó cho cuộc sống của mình phong phú hơn, lương thiện hơn, ý nghĩa hơn...

Họa sĩ Đặng Thảo Ngọc là "con nhà nòi", học vẽ và vẽ đẹp từ bé, 9  tuổi đã giành giải Grand Prize cuộc thi Nhật kí bằng tranh phạm vi châu Á tổ chức tại Tokyo Nhật Bản, cuộc thi vẽ tranh do Đại sứ quán Nhật tổ chức.

20 tuổi, Đặng Ngọc Thảo là sinh viên Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu cũng ngao du vài tháng trời bên Pháp từ thành quả giải từ cuộc thi Ánh mắt trẻ của Đại sứ quán Pháp, giờ Đặng Thảo Ngọc lại tiếp bước mẹ mình, họa sỹ Đỗ Thúy Hằng, coi dạy vẽ cho thiếu nhi như niềm đam mê lớn trong đời.

Sống trong gia đình nghệ thuật, được nuôi dưỡng trong bầu không khí nghệ thuật, họa sỹ Đặng Thảo Ngọc tự hiểu, nghệ thuật tác động quan trọng thế nào đến quá trình hình thành nhân cách, cá tính của một em bé. 

Không gì khuyến khích con học nghệ thuật hiệu quả bằng sự kiên nhẫn của cha mẹ. Và cũng không gì tạo nên những phấn khích và ham muốn học tập, tìm tòi của một em bé ở độ tuổi lên ba bằng không gian mở, ăm ắp cảm hứng sáng tạo và thái độ tuyệt đối tôn trọng cá tính riêng ở những người lớn, những thầy cô đứng lớp. 

Trẻ học vẽ không phải là sao chép lọ hoa mẫu cho giống hệt, hoặc bắt chước y chang bức vẽ của thầy cô, của các họa sỹ chuyên nghiệp mà quan trọng hơn, tự thể hiện lọ hoa mẫu hay sự vật, hiện tượng chung quanh mình bằng chính cách nhìn, cách cảm của mình, nhờ công cụ là ngôn ngữ hội họa được hướng dẫn trong các giờ học. 

Thành quả của những khóa học mà chơi, chơi mà học, của một lối tư duy mới mẻ, hiện đại về dạy nghệ thuật cho thiếu nhi, một sự bền bỉ hiếm có chính là Triển lãm tranh thiếu nhi đang diễn ra ở Times City. 

Những cô bé cậu bé, có thể chỉ mới 5 tuổi như Gia An, Tạ Đình Kha... hay 8, 9, 10 tuổi như Phạm Thành Vũ, Nguyễn Bá Hiếu, Phạm Uyên My đã hoàn thành một bức vẽ chững chạc như một tác phẩm thực thụ, để trưng bày trước cha mẹ, thầy cô, với chúng bạn, với những người yêu mến nghệ thuật, chia sẻ cùng hành trình truyền thụ thẩm mỹ cho trẻ em... 

Học ăn, học nói, học vẽ từ thuở bi bô học nói, học để biết nhìn ra cái đẹp và từ đó thêm yêu, thêm trân trọng cuộc đời, đó là món quà đáng giá mà các ông bố, bà mẹ tặng thưởng cho con cái mình...
Mi Sol


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618