Trung Tâm Đào Tạo Mỹ Thuật Nét Ngộ - Địa Điểm Đào Tạo Mỹ Thuật Dành Cho Thiếu Nhi, Người Lớn - Viết Thư Pháp - Thư Họa - Kí Họa - Chì Màu - Vẽ Chân Dung - Vẽ Tranh Sơn Dầu - Luyện Thi Đại Học Khối V, H...Hotline: 0902641618

TRIỂN LÃM NGHỆ THUẬT

A

Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

Thưởng lãm sáng tác nghệ thuật mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Các hoạt động triển lãm mỹ thuật trong các trường học nhằm bồi dưỡng, vun đắp và định hướng cho các em học sinh, sinh viên hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ, qua đó khuyến khích khả năng sáng tạo nghệ thuật của các em.
Các tác phẩm trưng bày trong Triển lãm “Nghiêng” lần thứ 2. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Khoa Tạo dáng công nghiệp (Viện đại học Mở Hà Nội) cùng câu lạc bộ “Nghiêng” đã tổ chức triển lãm mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng 2018 với chủ đề “Nghiêng 2” đã khai mạc tại Trung tâm Thông tin và Triển lãm TP. Hà Nội (93 Đinh Tiên Hoàng).
Triển lãm nhằm hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập trường Đại học Mở Hà Nội và nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Triển lãm “Nghiêng” lần thứ 2 có sự góp mặt của 30 họa sĩ, nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên với trên 40 tác phẩm được mở cửa trưng bày diễn ra từ 13/11 đến hết ngày 18/11.
PGS.TS Bùi Lan Hương, Trưởng Khoa tạo dáng Công nghiệp chia sẻ, triển lãm “Nghiêng 2” là cuộc trình diễn nghệ thuật độc đáo của các tác phẩm với nhiều chủ đề về thiên nhiên, cảnh vật, con người, đồ vật, nghệ thuật sắp đặt… được thể hiện trên các chất liệu gỗ, đá, vải, sơn mài, sơn dầu…
Mỗi tác phẩm mang tiếng nói riêng của người nghệ sĩ và trên hết sẽ mang sức sống, hơi thở thẩm mỹ cùng giá trị tinh thần cao đẹp. Đồng thời, đây cũng là những thể nghiệm mới về vật liệu, chất liệu thiết thực để giảng viên truyền cảm hứng khơi nguồn sáng tạo nghệ thuật cho sinh viên được đa dạng hơn.
Bà Hương cho biết thêm, xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của con người được nâng cao, những tác phẩm giờ đây không chỉ là thẩm mỹ mà nó còn là văn hóa, là hội tụ, lưu giữ bản sắc truyền thống của dân tộc kết hợp với công nghệ thông tin hiện đại. “Chúng tôi mong triển lãm được tổ chức định kì hàng năm trong chuỗi các hoạt động của trường nhằm tri ân nhà giáo cũng là sân chơi sáng tạo nghệ thuật cho giảng viên và sinh viên sau những giờ lên lớp căng thẳng trên tinh thần coi trọng giáo dục, đào tạo”, bà Hương nói.
TS. Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện đại học Mở Hà Nội nhận xét, dù bộn bề công việc giảng dạy, nhưng các giảng viên, cựu sinh viên và sinh viên Khoa Tạo dáng công nghiệp vẫn cháy bỏng đam mê sáng tác và tiếp tục chứng tỏ khả năng đi xa trong nghệ thuật.
Theo TS. Trương Tiến Tùng, trong lĩnh vực mỹ thuật, không có gì tạo sự khâm phục và hướng dẫn sinh viên hiệu quả bằng việc chính giảng viên vẫn liên tục sáng tác và cho ra mắt những tác phẩm mới, được công chúng đón nhận. Điều này cũng góp phần truyền lửa đam mê và định hướng ngày càng chính xác trong công tác giáo dục mà nhà trường đang hướng tới cho các thế hệ sinh viên.
Phụ huynh và học sinh thưởng lãm triển lãm tranh với chủ đề “Sắc màu tuổi 20”. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Tại trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Đại học Sư phạm – ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa diễn ra triển lãm tranh với chủ đề “Sắc màu tuổi 20”. Mỗi bức tranh dù được vẽ với những gam màu khác nhau nhưng đều cùng thể hiện những ước mơ thật đẹp của tuổi trẻ, của khát vọng vươn lên.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, triển lãm có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trường và đón nhận cờ thi đua của Chính phủ của trường, chào mừng kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Có 200 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm được Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn trong số hơn 30.000 bức tranh của học sinh trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành trong suốt 5 năm học vừa qua.
Tại triển lãm, mỗi bức tranh của các em học sinh đều mang một câu chuyện. Câu chuyện về gia đình, về trường, về lớp, về thế giới tương lai sắp tới hay đơn giản chỉ là những con vật đáng yêu.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Anh, nền tảng văn hoá của trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành được xây dựng trên nguyên tắc trách nhiệm, yêu thương, thấu hiểu và quan điểm giáo dục tôn trọng, phát huy tính chủ động, sáng tạo, huy động tối đa tiềm năng của từng cá nhân để mỗi học sinh và nhà giáo thực sự nếm trải niềm hạnh phúc trong học tập và cống hiến.
Bên cạnh đó, trường Nguyễn Tất Thành còn tổ chức hoạt động cắm trại với chủ đề tìm hiểu về quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Mỗi một lớp, mỗi một ngôi trại là một câu chuyện xúc động về Bác, từ lúc Bác rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước đến lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618