Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang là một vấn đề toàn cầu. Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 26 triệu trẻ em, trong đó có xấp xỉ khoảng 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Những trẻ em này đều có những nhu cầu đặc biệt, nhất là nhu cầu được hỗ trợ tâm lý xã hội và can thiệp trị liệu tâm lý. Hoạt động vẽ tranh được các chuyên gia tâm lý đánh giá là một hình thức trị liệu đối với trẻ em, trong đó có đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Theo PGS, TS Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong các công trình nghiên cứu về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên thế giới, nhiều tác giả xác định, trẻ em ở vào hoàn cảnh đặc biệt khi các nhu cầu cơ bản của chúng về thức ăn, nơi nương tựa, giáo dục, chăm sóc y tế hay bảo vệ và nhu cầu an toàn không được đáp ứng. Những trẻ em như vậy thường có nguy cơ lớn thiếu dinh dưỡng, bệnh tật và có thể có nguy cơ tử vong cao.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Quảng Ninh. |
Thời thơ ấu được xem là giai đoạn cấu thành quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Do vậy, điều quan trọng là trẻ em phải được lớn lên trong môi trường tốt. Việc không có những môi trường thuận lợi trở thành mối đe dọa lớn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Những trẻ này thường có xu hướng trở nên lo âu về bất cứ thứ gì và luôn cảm thấy sợ hãi. Chúng cần có sự chăm sóc về tâm lý xã hội. Trị liệu tâm lý là một phương cách hỗ trợ hiệu quả cho những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khi chúng gặp phải các vấn đề trong cuộc sống. TS Nguyễn Hạnh Liên, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng: Nếu chỉ sử dụng ngôn ngữ không trong quá trình trị liệu tâm lý cho trẻ thì rất dễ dẫn đến nhàm chán, trẻ trở nên phòng vệ và có thể thấy khó khăn khi phải nói trực tiếp về vấn đề của mình. Tuy nhiên, khi câu chuyện, ngôn ngữ được gắn lên và xoay quanh công cụ trung gian thì mọi việc trở nên dễ chịu hơn với trẻ. Chính vì thế việc trị liệu tâm lý cho trẻ, trong đó có trẻ có hoàn cảnh đặc biệt thông qua hoạt động vẽ tranh cũng cho những kết quả khả quan hơn.
Qua tranh vẽ, nhiều trẻ em đã kể về mối quan hệ trong gia đình, về những chấn thương tinh thần, những tưởng tượng về việc trẻ muốn làm. Theo TS, BS Cao Văn Tuân, Giám đốc chuyên môn Trung tâm EDI, nét vẽ cũng như nét bút trong khi viết có thể biểu hiện tính tình. Trẻ thích nghi tốt có nét vẽ rõ ràng, không rườm rà. Nét vẽ không rõ, vẽ đi vẽ lại hoặc tìm thước kẻ để vạch thẳng cho thấy tính rụt rè, bị ức chế. Những trẻ em cởi mở, năng động, có tính hướng ngoại thường dùng những màu sáng và ấm như đỏ, vàng, da cam, trắng… khi vẽ. Những em hướng nội, khó tiếp xúc ít dùng màu hơn, thiên về màu xám và đen. Không thể dùng lời nói, trẻ em thường dùng hình vẽ để bộc lộ tâm tư của mình, những mơ ước, trăn trở cũng được biểu hiện qua hình vẽ. Nhiều khi trẻ vẽ cả một câu chuyện, vừa vẽ vừa kể chuyện, qua đó vừa biểu lộ, giải tỏa tâm tư.
Khẳng định hình vẽ có thể sử dụng để đánh giá tâm lý và can thiệp giúp đỡ cho trẻ có rối nhiễu tâm lý nói chung và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng, nhưng theo BS Cao Văn Tuân, dù hình vẽ cung cấp nhiều thông tin quan trọng về tâm lý trẻ em nhưng cũng cần quan sát, theo dõi nhiều khía cạnh, nhiều lần, có đối chiếu với nhiều thông tin và chỉ báo khác.
Để đánh giá tâm lý thông qua hình vẽ đòi hỏi nhà tâm lý phải được đào tạo và có kinh nghiệm lâm sàng. BS Cao Văn Tuân đưa ra khuyến nghị, việc đánh giá tâm lý trẻ có vấn đề nói chung, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng và can thiệp cho trẻ tốt nhất trong môi trường làm việc ê kíp bao gồm bác sĩ tâm lý bệnh nhi, nhà tâm lý lâm sàng và nhà giáo dục đặc biệt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét