Ứng dụng công nghệ mới đã và đang tạo ra xu thế mới trong sáng tạo nghệ thuật đương đại và các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng trong đời sống. Nhưng PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, để chuẩn bị cho những thích ứng với xu thế phát triển của các ngành sáng tác mỹ thuật thì cần khẩn trương nhận diện những khía cạnh khác nhau của đào tạo mỹ thuật dưới sự tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Đào tạo mỹ thuật đang gặp nhiều thách thức trược sự phát triển của công nghệ.
Tụt hậu với công nghệ
Đến nay, có thể thấy hầu hết các công nghệ đương đại trên thế giới đều ít nhiều liên quan tới cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên với nền tảng đào tạo mỹ thuật của chúng ta hầu như chưa phản ứng gì với xu thế phát triển chung đó. Không những chương trình đào tạo lạc hậu, bị giới hạn và trở nên cứng nhắc bởi các nguyên tắc và quy trình quản lý ở các cấp, mà hệ thống cơ sở vật chất hiện có và nhận thức về đầu tư cơ sở vật chất đang ở khoảng cách xa so với sự phát triển của mỹ thuật hiện nay và đòi hỏi của thế hệ người học thiên niên kỷ mới - những con người được gọi là “công dân kỹ thuật số”. Các ngành sáng tác mỹ thuật tạo hình như hội họa, đồ họa, điêu khắc vẫn ở tình trạng của nhiều năm về trước, thậm chí là rất xa tiêu chuẩn chung của ngành cũng như của các nước về chương trình, phương pháp và hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ hiện đại. Trong đó, ngành hội họa có thể rất ít cần đến các phương tiện kỹ thuật, công nghệ cao hay kỹ thuật số. Nhưng qua kinh nghiệm của thế giới cho thấy, ngành điêu khắc và đồ họa tạo hình đã và đang được triển khai có nhiều gắn kết với kỹ thuật số, công nghệ đương đại hơn. Do vậy, cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng về các mặt liên quan đến đào tạo các ngành này để đưa ra giải pháp căn cơ nhằm đưa chúng gần hơn với thực tế xã hội và nhu cầu phát triển hội nhập của nghệ thuật thị giác nước ta.